Ở nước ta hiện nay, tình trạng tham nhũng, lãng phí diễn ra khá phức tạp, đang là một thách thức lớn cản trở công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Nhận thức rõ tác hại của tham nhũng đối với sự phát triển của đất nước, Đảng ta luôn xác định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vấn đề cấp bách và thường xuyên.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Phòng và chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(1).
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, đề ra nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã thu được một số kết quả nhất định góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trong cuộc đấu tranh này, quần chúng nhân dân giữ một vai trò hết sức quan trọng. Bởi quần chúng nhân dân là người chủ của xã hội, tham gia ngày càng tích cực vào công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng các quy chế, quy định của đơn vị, địa phương.
Ngoài ra, nhân dân tham gia tích cực, chủ động vào công tác thanh tra nhân dân, góp phần quan trọng trong việc phát hiện ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, ổn định tình hình cơ sở.
Nhân dân cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước về những vấn đề phát triển kinh tế – xã hội cũng như vấn đề có liên quan đến tham nhũng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua các cơ quan dân cử.
Người dân đã và đang tham gia đóng góp ý kiến với Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách, pháp luật; về phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương; góp ý kiến về hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, về lựa chọn ứng cử viên Hội đồng nhân dân, về nhân sự đại hội Đảng, đoàn thể ở cơ sở.
Có thể nói, đây thực sự là những hoạt động chính trị nhằm mở rộng quyền làm chủ cho nhân dân vì vậy đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Đồng thời, nhân dân cũng tham gia ngày càng có hiệu quả vào quá trình giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, của đại biểu Hội đồng nhân dân, cán bộ, đảng viên; giám sát kiểm tra việc thu chi các quỹ, quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng và nghiệm thu, quyết toán công trình từ nguồn vốn do nhân dân đóng góp.
Ngoài việc đóng góp ý kiến trực tiếp với cán bộ, đảng viên ở các cấp, ngành, người dân còn gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng, cơ quan thông tin báo chí ở trung ương và địa phương góp ý, phát hiện những sai phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.
Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo các cấp, các ngành và các đoàn thể quần chúng khẩn trương chấn chỉnh, kiện toàn, củng cố công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đặc biệt hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều đã bố trí cán bộ, phương tiện, trụ sở tiếp công dân cũng như rà soát, bổ sung hoặc xây dựng các quy chế, quy định nhằm khắc phục tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu; phân công lãnh đạo phụ trách; một số nơi có hòm thư góp ý để thu thập ý kiến của nhân dân.
Để nâng cao hơn nữa vai trò của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Muốn thực hiện tốt giải pháp này trước hết cần xây dựng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân trên cơ sở hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là quan tâm tới những vấn đề mà công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn.
Các tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải làm tốt công tác vận động nhân dân ở cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân, giải quyết khó khăn, xử lý kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, điều hòa lợi ích của các tầng lớp dân cư, các vùng miền và các lĩnh vực.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thiết chế thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các cơ quan có trách nhiệm phải giải trình, bảo đảm tính minh bạch, sự tham gia rộng rãi của nhân dân trong quá trình xây dựng trước khi ban hành.
Một mặt, tôn trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân nhưng phải phân tích mức độ đúng, sai của những ý kiến đó; mặt khác, phải bảo vệ người đã có ý kiến phát hiện những sai trái của cán bộ, công chức.
Vì vậy, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể phải làm tốt công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đấu tranh, phòng, chống tham nhũng và tác hại của tham nhũng đến sự phát triển của xã hội để mọi người dân hiểu rõ.
Trên cơ sở đó, mọi người ý thức được trách nhiệm của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể nhân dân.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể; khắc phục tình trạng hành chính hoá, công chức hoá, quan liêu, xa dân; hướng mạnh công tác về cơ sở nắm chắc tình hình quần chúng; chủ động phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân; kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết, xử lý trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Bên cạnh đó, cần kiện toàn Ban thanh tra nhân dân ở cơ sở để tổ chức này thực sự là nơi tập hợp quần chúng ở xã, phường, thị trấn và các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức kinh tế – xã hội trong công tác giám sát việc thực thi chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở.
Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trong giám sát hoạt động của chính quyền nói chung và trong thực hiện quy chế dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Thứ ba, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ tham nhũng là do cơ chế, chính sách, pháp luật còn nhiều sơ hở, thiếu đồng bộ.
Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, có lúc trở thành lực cản của quá trình phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra kẽ hở để cán bộ công chức lách luật, làm trái pháp luật vì nhiều mục đích khác nhau khiến cho tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng.
Chính vì thế cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, các ngành, các địa phương trên mọi lĩnh vực.
Tăng cường ra soát, hoàn thiện thể chế chính sách, quy định trong quản lý.
Xây dựng một hệ thống văn bản hướng dẫn chi tiết, thực hiện một cách đồng bộ phù hợp với thực tế làm cho cán bộ công chức “không dám tham nhũng”, “không thể tham nhũng”, nhằm phòng, chống tham nhũng có hiệu quả như Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ, cần phải “đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này”(2)./.
(Nguồn thanhtravietnam.vn)