Ngoài việc nắm vững các quyền được quy định trong Luật Thanh tra, các văn bản pháp luật khác về thanh tra, thanh tra viên cũng chỉ được sử dụng quyền mà pháp luật cho phép, tránh sự tuỳ tiện, lạm dụng, vượt quá giới hạn pháp luật quy định.
Thanh tra là một chức năng thiết yếu quan trọng của quản lý nhà nước, trong đó các cơ quan thanh tra được trao quyền trực tiếp tiến hành thanh tra. Quyền trong quá trình thanh tra là quyền hành pháp, được pháp luật cho phép các tổ chức và cá nhân sử dụng trong quá trình thanh tra, nhằm đảm bảo cho các cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra và các thanh tra viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc sử dụng đúng quyền hạn và làm hết trách nhiệm là rất quan trọng, do đó, đòi hỏi cán bộ, thanh tra viên phải nắm chắc, nhằm đảm bảo cho hoạt động thanh tra đúng pháp luật và đạt hiệu quả cao; đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
Ngoài việc nắm vững các quyền được quy định trong Luật Thanh tra, các văn bản pháp luật khác về thanh tra, thanh tra viên cũng chỉ được sử dụng quyền mà pháp luật cho phép, tránh sự tuỳ tiện, lạm dụng, vượt quá giới hạn pháp luật quy định. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến cơ sở lý luận và thực tiễn của quyền kiểm kê tài sản – đây là một trong số các quyền được quy định trong Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra.
Điểm c, khoản 1, Điều 39 Luật Thanh tra năm 2004 quy định: Trưởng Đoàn thanh tra được yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; khi cần thiết có thể tiến hành kiểm kê tài sản của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra.
Điều 30 Nghị định 41/2005/NĐ-CP, ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, quy định về việc kiểm kê tài sản như sau:
“1. Khi tiến hành thanh tra nếu phát hiện giữa sổ sách, chứng từ với thực tế có chênh lệch, bất hợp lý hoặc có dấu hiệu hành vi chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản thì Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra quyết định kiểm kê tài sản.
2. Quyết định kiểm kê tài sản phải bằng văn bản, ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành, trách nhiệm của những người tiến hành, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra. Việc kiểm kê tài sản phải lập thành biên bản ghi rõ thành phần tham dự, thời gian, địa điểm tiến hành, tên, số lượng, tình trạng tài sản. Đối với những tài sản xét thấy cần giao cho cơ quan chức năng tạm giữ thì có văn bản yêu cầu cơ quan đó thực hiện việc tạm giữ. Đối với tài sản riêng của cá nhân thì việc kiểm kê tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp kiểm kê tài sản thì người ra quyết định kiểm kê phải ra quyết định huỷ bỏ ngay biện pháp đó”.
Tài sản được hiểu là bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản (Điều 163 Bộ luật dân sự) và việc kiểm kê tài sản là việc cân, đong, đo, đếm số lượng; xác nhận và đánh giá chất lượng, giá trị của tài sản, nguồn vốn hiện có tại thời điểm kiểm kê để kiểm tra, đối chiếu với số liệu trong sổ kế toán (Điều 39 Luật Kế toán).
Qua các quy định trên nhận thấy, việc kiểm kê tài sản được thực hiện trong giai đoạn tiến hành thanh tra (mục II – Tiến hành thanh tra – Thông tư 02/2010/TT-TTCP, ngày 02 tháng 03 năm 2010 của Thanh tra Chính phủ quy định trình tự tiến hành một cuộc thanh tra). Việc kiểm kê tài sản chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết, nghĩa là Đoàn thanh tra thực hiện việc kiểm kê tài sản trong giai đoạn tiến hành thanh tra nếu phát hiện giữa sổ sách, chứng từ với thực tế có chênh lệch, bất hợp lý hoặc có dấu hiệu hành vi chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản. Và việc kiểm kê tài sản phải có quyết định bằng văn bản do người có thẩm quyền ban hành (Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra).
Đặt vấn đề trong thực tiễn việc kiểm kê tài sản được thực hiện như sau: Đối với một số Đoàn thanh tra có nội dung thanh tra liên quan việc quản lý thu chi tài chính, tài sản của đối tượng thanh tra thì thông thường Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra quỹ tiền mặt của đơn vị. Theo đó, trước hết Đoàn thanh tra sẽ công bố quyết định thanh tra, trong buổi họp này Đoàn thanh tra thông báo sẽ kiểm tra quỹ tiền mặt của đơn vị. Sau khi cuộc họp công bố quyết định thanh tra kết thúc, Trưởng Đoàn thanh tra phân công các thành viên Đoàn thanh tra làm hai nhóm, một nhóm thành viên Đoàn thanh tra thực hiện tiếp nhận các loại hồ sơ tài liệu, sổ sách, chứng từ kế toán có liên quan đến nội dung thanh tra; một nhóm thành viên Đoàn thanh tra thực hiện việc kiểm tra quỹ tiền mặt. Việc kiểm quỹ tiền mặt không có quyết định kiểm kê, chỉ thông báo trong cuộc họp công bố quyết định thanh tra. Việc kiểm quỹ tiền mặt có lập biên bản giữa các bên Đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra (kế toán, thủ quỹ…). Mục đích của việc kiểm kê quỹ tiền mặt để xác định số dư (khóa sổ) để thuận lợi cho Đoàn thanh tra trong việc kiểm tra, đối chiếu, so sánh, tổng hợp số liệu sổ sách, chứng từ kế toán nhằm phát hiện chênh lệch (nếu có).
Đối với việc kiểm kê tài sản khác, Đoàn thanh tra thông báo cho đối tượng thanh tra biết trong quá trình làm việc tại đơn vị (thời gian, thành phần, địa điểm), thông thường cũng không có quyết định kiểm kê. Việc kiểm kê có lập biên bản.
Từ vấn đề nêu trên, nhận thấy, việc kiểm kê tài sản (quỹ tiền mặt, một số tài sản khác) có thể được tiến hành thuận lợi, do một số nguyên nhân như sau: đối tượng thanh tra có thể đã nắm bắt được thông tin, các bước thủ tục, cách thức tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra, hoặc do áp lực tâm lý… nên chưa có sự phản ứng của đối tượng thanh tra. Khi Đoàn thanh tra yêu cầu kiểm kê tài sản, đối tượng thanh tra phối hợp thực hiện với Đoàn thanh tra vì họ đã có bước chuẩn bị. Tuy nhiên, nếu gặp những đối tượng thanh tra có nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Thanh tra, hoặc đối tượng thanh tra có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm tra thanh tra thì Đoàn thanh tra sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm kê tài sản.
Việc kiểm quỹ tiền mặt là một trong những hoạt động kiểm kê tài sản, tiến hành kiểm kê khi cần thiết, trong quá trình tiến hành thanh tra phát hiện giữa sổ sách, chứng từ với thực tế có chênh lệch, bất hợp lý hoặc có dấu hiệu hành vi chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản (tức là trong giai đoạn Đoàn thanh tra tiếp nhận hồ sơ, sổ sách chứng từ kế toán, sau đó Đoàn thanh tra thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như nghiên cứu, kiểm tra, đối chiếu, so sánh, tổng hợp… phát hiện có sai sót). Trong khi đó việc kiểm quỹ tiền mặt trên thực tế được Đoàn thanh tra tiến hành ngay khi chưa tiếp nhận các hồ sơ sổ sách, tài liệu, chứng từ kế toán để xem xét, nghiên cứu, đánh giá…, mục đích là để xác định số dư (làm công tác khóa sổ), để thuận tiện trong việc kiểm tra đối chiếu số liệu. Như vậy, việc kiểm kê quỹ tiền mặt của Đoàn thanh tra là công việc mang tính chất thường xuyên, không cần thiết là có phát hiện chênh lệch hay không chênh lệch số liệu sổ sách. Hoặc cũng có trường hợp do Đoàn thanh tra nắm bắt thông tin, nghiên cứu số liệu, sổ sách trong bước đầu khảo sát (mục I – Chuẩn bị thanh tra – Thông tư 02/2010/TT-TTCP, ngày 02 tháng 03 năm 2010 của Thanh tra Chính phủ quy định trình tự tiến hành một cuộc thanh tra), cho rằng đối tượng thanh tra có sai sót trong quản lý thu chi tài chính, tài sản nên tiến hành kiểm quỹ tiền mặt ngay sau khi công bố quyết định thanh tra.
Việc kiểm kê tài sản (kiểm quỹ tiền mặt) vừa đặt ra như trên, có ưu điểm nhất định, có tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn thanh tra trong việc kiểm tra đối chiếu số liệu, có trường hợp còn giúp ngăn chặn sự đối phó của đối tượng thanh tra. Trong kiểm kê tài sản, Đoàn thanh tra thường chỉ lập biên bản ký xác nhận giữa các bên (một trong những biên bản quan trọng trong quá trình tiến hành thanh tra). Tuy nhiên hoạt động kiểm kê tài sản (quỹ tiền mặt, tài sản khác) Đoàn thanh tra thực hiện đơn giản, theo thói quen, chưa chú trọng đến tầm quan trọng của việc kiểm kê tài sản, đối tượng thanh tra có kinh nghiệm đã chuẩn bị trước, nên khi tiến hành kiểm kê tài sản Đoàn thanh tra không phát hiện thiếu sót của đơn vị, còn xảy ra trường hợp để thất lạc biên bản kiểm kê quỹ tiền mặt. Và việc kiểm kê tài sản (kiểm quỹ, tài sản khác) không có quyết định kiểm kê bằng văn bản là chưa phù hợp với quy định pháp luật (Điều 30 Nghị định 41/2005/NĐ-CP, ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ).
Trong quá trình thanh tra, tùy trường hợp cụ thể nếu cần thiết thì Trưởng Đoàn thanh tra được quyền quyết định kiểm kê tài sản. Đây là một loại quyền mang tính cưỡng chế cao, dễ làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị hoặc tác động đến tâm lý đối tượng cho nên khi sử dụng quyền này cần cân nhắc kỹ. Trước hết phải ra quyết định kiểm kê tài sản bằng văn bản theo đúng quy định tại khoản 2 điều 30 Nghị định 41; trong quá trình kiểm kê (kiểm tra kho, kiểm quỹ, vật tư, hàng hoá…) tuỳ từng loại có thể kiểm kê từng phần, từng loại hoặc kiểm kê toàn bộ, trong quá trình kiểm kê nếu cần thiết đánh giá chất lượng sản phẩm… cần mời cơ quan chuyên môn, kỹ thuật…. Khi kiểm kê, Đoàn thanh tra (Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên…) không nên tham gia trực tiếp mà nên là người giám sát, hãy để cho các bộ phận, phòng ban của đơn vị kiểm tra (thành phần Đoàn thanh tra đã nêu trong quyết định kiểm kê), nhằm để Đoàn thanh tra có thể quan sát toàn diện, tổng quát tình hình kiểm kê, tránh được sự cố hư hỏng mất mát có thể xảy ra, đối tượng thanh tra không thể đổ lỗi do Đoàn thanh tra thực hiện. Đặc biệt, khi kiểm kê xong cần ghi biên bản đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, ghi nhận tình hình thực tế kiểm kê tài sản của đơn vị, biên bản cần phải được lưu giữ cẩn thận và đúng quy định, tránh để thất lạc.
Việc sử dụng các quyền trong quá trình thanh tra đúng nguyên tắc sẽ phát huy tác dụng tích cực, đảm bảo cho cuộc thanh tra đạt mục đích, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cuộc thanh tra và uy tín của Đoàn thanh tra. Ngược lại nếu sử dụng quyền mà tuỳ tiện, thiếu thận trọng sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc thanh tra, uy tín của Đoàn thanh tra, đôi khi còn vi phạm pháp luật. Vì vậy trong quá trình thanh tra khi sử dụng quyền phải hết sức thận trọng nhằm bảo đảm cho cuộc thanh tra đạt kết quả tốt.
(Thanhtravietnam.vn)