Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới với hệ thống dịch vụ công trong sạch và hiệu quả. Tham nhũng ở Singapore đã nằm trong vòng kiểm soát của khu vực nhà nước và tư nhân. Có được kết quả này là do các yếu tố sau:
1. Ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Singapore trước cuộc chiến chống tham nhũng
Sau khi độc lập, nhà nước Singapore phải đối mặt với nhiều thử thách khó khăn, trong đó tham nhũng là một vấn đề khá nghiêm trọng, trở thành một nguy cơ đe dọa uy tín của đảng cầm quyền. Năm 1960, ông Ong Pang Boon, Bộ trưởng Bộ nội vụ, đã phát biểu tại Hội đồng lập pháp: “Chính phủ ý thức một cách sâu sắc rằng một chính quyền không thể tiếp tục tồn tại cho dù mục tiêu và ý định có tốt như thế nào đi chăng nữa, nếu tham nhũng còn tồn tại trong hàng ngũ những người có chức có quyền và trong hệ thống dịch vụ công mà chính quyền phải dựa vào đó để cung cấp một bộ máy hành chính hữu hiệu và hiệu quả nhằm biến chính sách thành hành động…Do đó, chính phủ Singapore quyết tâm làm tất cả mọi việc có thể sao cho tất cả các biện pháp lập pháp và hành chính được thực hiện để làm giảm cơ hội xẩy ra tham nhũng, làm cho việc phát hiện tham nhũng dễ dàng hơn, răn đe và trừng trị nghiêm khắc những người có hành vi tham nhũng”.
Năm 1965, các nhà lãnh đạo ở Singapore đã tự tách cá nhân mình khỏi các quan hệ tài chính và thương mại đồng thời làm việc cần mẫn hơn những người dưới quyền để làm gương cho các viên chức nhà nước khác.
Năm 1979, ông Lý Quang Diệu, đương kim thủ tướng của Singapore đã phát biểu: “Một khi những nhà lãnh đạo chủ chốt kém liêm khiết, không nghiêm khắc đòi hỏi những chuẩn mực cao, lúc đó cấu trúc toàn vẹn của hệ thống hành chính sẽ yếu đi và cuối cùng nó sẽ sụp đổ. Singapore chỉ có thể tiếp tục tồn tại nếu như các bộ trưởng và viên chức cao cấp đều liêm khiết và làm việc hiệu quả…Chỉ khi nào chúng ta gữi vững tính toàn vẹn của bộ máy hành chính thì nền kinh tế mới có thể vận hành theo hướng cho phép người Singapore thấy rõ mối liên hệ giữa làm việc siêng năng với những phần thưởng xứng đáng. Chỉ khi đó, người ta, người nước ngoài và người Singapore mới đầu tư vào Singapore; chỉ khi đó người dân Singapore mới làm việc để bản thân và con cái của mình tốt hơn thông qua giáo dục và đào tạo, thay vì chỉ trông chờ vào vận may đến từ bạn bè hay người thân, hay bôi trơn quan hệ ở những nơi thích hợp”.
Có thể thấy, lời phát biểu của ông Lý Quang Diệu khi đó đã thể hiện nhận thức chung của Đảng hành động nhân dân (PAP) và chính phủ Singapore rằng: vị trí, vai trò của đảng cầm quyền và các nhà lãnh đạo đất nước phải được chứng minh, được thể hiện bằng chính đạo đức của họ mà phẩm chất cần thiết trước hết là sự liêm khiết. Dựa trên cơ sở của ý chí và quyết tâm chính trị đó mà chính phủ Đảng PAP đã đưa ra một trong những nguyên tắc hướng dẫn cho giới quan chức là: “ Giữ mình trong sạch và không nhận hối lộ”.
Từ kinh nghiệm chống tham nhũng trong lịch sử và hiện tại ở Singapore, người ta có thể nêu ra một định đề là: nếu những người lãnh đạo không giữ được mình trong sạch thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không bao giờ thành công. Những người lãnh đạo phải thể hiện được đức thanh liêm của mình thì xã hội mới tin được là họ có ý chí và quyết tâm chính trị trung thực, mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đó chính là yếu tố tiên quyết đầu tiên mang tính đột phá, dẫn dắt và chỉ đạo hành động chống tham nhũng có tính chất nhất quán và đạt hiệu quả trên thực tế.
2. Tăng cường hệ thống luật pháp và chú trọng tăng cường mức độ hình phạt đối với hành vi tham nhũng
Tuy đã ban hành Luật phòng chống tham nhũng, nhưng ở Singapore, Luật này thường được xem xét lại nhằm bảo đảm kẻ phạm tội tham nhũng không thể thoát khỏi sự trừng phạt của luật pháp. Đó là một quan điểm biện chứng, thể hiện cách nhìn hiện thực và nhằm mục đích hoàn thiện pháp luật, làm các quy định pháp luật tương thích với thực tế cuộc sống luôn vận động, phát triển. Những sửa đổi bổ sung của Luật cho đến nay gồm có:
– Cho toà án quyền ra lệnh kẻ phạm tội phải trả một số tiền tương đương với số tiền hối lộ đã nhận ngoài việc trừng phạt dưới hình thức phạt tiền và/hoặc ngồi tù.
– Cho điều tra viên nhiều quyền rộng rãi hơn.
– Không cần thiết phải chứng minh rằng kẻ nhận hối lộ có khả năng thực hiện ân huệ theo yêu cầu.
– Cho điều tra viên quyền yêu cầu viên chức nhà nước đang bị điều tra phải cung cấp lời khai có tuyên thệ nêu rõ các tài sản mà bản thân người này, vợ/chồng và con cái có sở hữu.
– Cho công tố viên quyền lấy thông tin từ cơ quan kiểm soát thuế thu nhập.
– Cho toà án quyền công nhận rằng sự giầu có không tương xứng với thu nhập là bằng chứng vững chắc bổ sung.
– Cho phép bỏ quy tắc tòng phạm xem bằng chứng tòng phạm như không đáng tin, ngoại trừ được chứng thực rõ ràng.
– Làm cho việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của điều tra viên Cục điều tra tham nhũng (CPIB) trở thành nghĩa vụ mang tính luật định.
– Công dân Singapore có thể bị trừng phạt vì những hành vi tham nhũng ở ngoài lãnh thổ Singapore và sẽ bị xử lý như thể hành vi này đã được thực hiện tại Singapore.
– Cố ý cung cấp thông tin không đúng sự thật là một hành vi phạm tội có thể bị bắt giữ.
Tuy nhiên, Luật phòng chống tham nhũng và những quy định được điều chỉnh, bổ sung trên đây sẽ không có tác dụng thực tiễn nếu không có sự cưỡng chế thi hành hiệu quả. Về khía cạnh này, CPIB đã thể hiện được vai trò là một cơ quan chống tham nhũng độc lập mang lại hiệu quả rất cao, trở thành nỗi sợ hãi đối với những kẻ có ý định tham nhũng hay dính líu đến tham nhũng. CPIB có quyền tự do hành động để xử lý kẻ tham nhũng bất kể kẻ đó ở vị trí xã hội nào, thuộc đảng phái chính trị nào, thuộc sắc tộc hay theo tín ngưỡng nào. Theo lời của một nhà quan sát quốc tế: “ Trong bộ máy hành chính của Singapore, CPIB được kính sợ như con mắt có thể nhìn mọi thứ của lãnh đạo PAP, và được kính trọng vì sự hiệu quả chính xác như bộ máy đồng hồ và những phương pháp nghiệp vụ tinh vi.”
Tại Singapore, người có hành vi tham nhũng có thể bị phạt tiền đến 100.000 đô la Singapore, hoặc bị phạt tù đến 5 năm , hoặc áp dụng cả hai hình phạt. Nếu phạm tội tham nhũng liên quan đến một hợp đồng của chính phủ, hay liên quan đến một đại biểu quốc hội, hay thành viên của một tổ chức nhà nước, thời hạn hình phạt có thể tăng lên đến 7 năm. Ngoài phạt tiền và phạt tù, người bị kết tội tham nhũng sẽ bị toà án ra lệnh hoàn trả lại số tiền hối lộ đã nhận; đồng thời toà án còn có quyền tịch thu tài sản và những nguồn tiền mà người bị kết tội không lý giải được nguồn gốc.
Một viên chức nhà nước tham nhũng có thể bị kết án tại toà nếu có đầy đủ bằng chứng, hoặc người này có thể được xử lý thông qua các thủ tục mang tính kỷ luật của cơ quan bộ ngành nếu không có đầy đủ chứng cứ để khởi tố tại toà. Viên chức nhà nước bị toà kết án tham nhũng sẽ bị mất việc và nếu người này đã về hưu thì tiền lương hưu và các trợ cấp khác cũng bị mất. Việc xử lý kỷ luật của cơ quan bộ ngành có các mức hình thức: đuổi việc – hạ cấp bậc – ngưng hay hoãn tăng lương – phạt tiền hay khiển trách – buộc về hưu sớm.
Hệ thống tư pháp Singapore đã áp dụng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những kẻ phạm tội tham nhũng không chỉ nhằm bảo đảm và duy trì sự công bằng, niềm tin của xã hội cũng như sự trong sạch và hiệu qủa của bộ máy hành chính; mà còn nhằm ngăn ngừa và răn đe những kẻ rắp tâm tham nhũng.
3. Các biện pháp hành chính phòng ngừa tham nhũng đi đôi với giáo dục
Chính phủ Singapore đã ban hành một số biện pháp hành chính nhằm giảm thiểu cơ hội phát sinh tham nhũng, đó là:
– Thay cảnh sát viên biệt phái bằng điều tra viên nhân sự.
– Hợp lý hoá các thủ tục hành chính và thường xuyên tiến hành xem xét lại các thủ tục hành chính của các bộ ngành dễ bị tham nhũng chi phối.
– Dẹp bỏ quan liêu hành chính.
– Xem xét mức lương của viên chức nhà nước để đảm bảo rằng họ được trả công một cách xứng đáng.
– Nhắc nhở các nhà thầu làm công trình của nhà nước rằng đút lót viên chức nhà nước quản lý dự án có thể dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng.
Thực tế cho thấy một bộ máy hành chính kém hiệu quả sẽ là một bộ máy đậm mầu sắc quan liêu, thủ tục rườm rà, phiền nhiễu, có nhiều kẽ hở cho viên chức lợi dụng nhận hối lộ và bòn rút công quỹ khi đồng lương ít ỏi. Vì vậy, đi đôi với việc cải cách hành chính cần phải đảm bảo mức lương tốt cho quan chức thì sẽ giảm rất nhiều cơ hội tham nhũng bởi nếu quan chức có lương cao thì họ sẽ không dại gì nhận một khoản tiền hối lộ nào đó để rồi mất đi tất cả.
Bên cạnh chính sách lương là việc giáo dục lòng tự trọng, xem tham nhũng như là nỗi sỉ nhục danh dự và là nỗi sợ hãi khi bị áp dụng chế tài pháp luật. Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, các diễn đàn về cạm bẫy của tham nhũng cho viên chức nhà nước đồng tư vấn cũng để giúp họ biết cách phòng tránh việc dính líu vào tham nhũng. Ngoài ra, CPIB cũng tiến hành các buổi trao đổi với tên gọi: “Hành trình học hỏi” cho học sinh các trường trung học nhằm giúp cho thế hệ trẻ có những nhận thức nhất định về hành vi tham nhũng.
Có thể nói, cuộc chiến chống tham nhũng ở Singapore chưa phải là kết thúc hoàn hảo, nhưng trên thực tế tham nhũng đã nằm trong sự kiểm soát của chính phủ nước này; và chính điều đó là một trong những yếu tố tạo dựng niềm tin của xã hội và các thành phần doanh nghiệp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Singapore.
Dựa theo nguồn: Tài liệu của CPIB
Cục điều tra tham nhũng của Chính phủ Singapore
Th.s Nguyễn Đức Mạnh
Học viện hành chính
(Nguồn Tạp chí Thanh tra)