Giáo sư, Tiến sĩ Triết học Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài – nhân lực (ISSTH) là người vừa nghiên cứu vừa giảng dạy xuất sắc. Kiến thức uyên bác của GS về khoa học lý luận đã làm cho chúng tôi cảm phục. Mấy năm nay, GS viết khỏe, giảng nhiều. Trên giảng đường và trên hội trường, tiếng nói của GS có sức thuyết phục không chỉ đối với sinh viên, nghiên cứu sinh, mà còn đối với những cán bộ trung, cao cấp của các cơ quan đảng và nhà nước ở trung ương và địa phương. GS là một nhà khoa học đích thực, tài năng và nhân cách.
GS, TS Hoàng Chí Bảo tại văn phòng làm việc.
Tôi vinh dự được làm quen và làm việc với GS cách đây đã hơn 30 năm ngay từ khi chúng tôi cùng công tác tại Viện Mác – Lênin – Hồ Chí Minh, khi ấy, GS đã là Viện trưởng Viện chủ nghĩa xã hội khoa học và tôi là Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Mấy năm gần đây, GS đã viết được nhiều tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn: “Văn hóa Hồ Chí Minh”, “Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh”, Nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội, GS Hoàng Chí Bảo đã có ba cuốn sách: “Giá trị bền vững và sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học”; “Chủ nghĩa xã hội hiện thực – Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Từ thực tiễn đổi mới đến nhận thức lý luận mới về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Sau đây tôi xin giới thiệu một số tác phẩm của GS Hoàng Chí Bảo mà tôi đang có trong tay:
“Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh” (tái bản)
(Nhà Xuất bản Chính trị – Hành chính, Hà Nội, 2011 – Sách dày 568 trang khổ rộng).
GS Hoàng Chí Bảo đã có nhiều năm nghiên cứu về phương pháp Hồ Chí Minh. Cuốn sách “Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh” thể hiện kết quả của những nghiên cứu đó.
Trong cuốn sách này, GS Hoàng Chí Bảo đã trình bày tổng quan những nghiên cứu về phương pháp Hồ Chí Minh; phương pháp Hồ Chí Minh và những vấn đề đặt ra từ lý luận đến thực tiễn; vận dụng phương pháp Hồ Chí Minh để tìm hiểu tư tưởng triết học Hồ Chí Minh; cảm nhận về triết lý phát triển xã hội của Hồ Chí Minh; từ “dân” đến “dân chủ” và “dân vận” trong tư tưởng, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh; văn hóa Hồ Chí Minh và sự rèn luyện nhân cách văn hóa của thanh niên; đạo đức Hồ Chí Minh – một kiểu mẫu về sự nhất quán giữa tư tưởng và hành động; thời đại Hồ Chí Minh trong lịch sử quang vinh của dân tộc Việt Nam; mấy vấn đề lý luận và thực tiễn về phương pháp giảng dạy về tư tưởng Hồ Chí Minh; tư tưởng và phương pháp chính trị Hồ Chí Minh; quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò nhân tố con người trong quá trình công nghiệp hóa đất nước; tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân và vai trò về giai cấp công nhân đối với cách mạng Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh; thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng theo “Di chúc” của Bác Hồ; đạo làm người của người cách mạng; tư tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm “Đường cách mệnh”; “Sửa đổi lối làm việc” – tác phẩm đầu tiên đặt vấn đề đổi mới trong điều kiện Đảng cầm quyền; “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” – một văn kiện lịch sử vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về hoàn cảnh ra đời, giá trị và ý nghĩa của tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh và xây dựng văn hóa trong Đảng; văn hóa Hồ Chí Minh – giá trị và ý nghĩa; văn hóa Hồ Chí Minh từ tầm nhìn đổi mới, hội nhập và phát triển; di sản Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế.
GS,TS Hoàng Chí Bảo nhận định phương pháp Hồ Chí Minh là phương pháp ở tầm tư tưởng, lý luận, thể hiện sự nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn trong các lĩnh vực hoạt động của Người. Lý luận hóa thực tiễn gắn liền với thực tiễn hóa lý luận. Phương pháp Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện một trình độ tư tưởng mà còn là một năng lực và bản lĩnh sáng tạo văn hóa, với tầm nhìn rộng lớn, dự báo sáng suốt và ứng xử linh hoạt, tinh tế. “Phương pháp Hồ Chí Minh không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật, ở đó, trí tuệ đi liền với đạo đức, thuyết phục, cảm hóa con người bằng sự chân thành và giản dị, bằng tình cảm đầy lòng nhân ái, vị tha, thấm đượm sâu sắc chất nhân văn của tính người và tình người (nhân tính)1. Phương pháp Hồ Chí Minh còn chú trọng tới những cách làm và những bước đi, thiết thực và cụ thể, ham chuộng công việc thực tế, đầu óc thực tế, hữu ích cho cuộc sống và hữu dụng cho con người. Phương pháp Hồ Chí Minh vừa dẫn dắt và gợi mở, vừa thúc đẩy những tìm tòi, sáng tạo, vừa động viên nâng đỡ tích cực mà không tách rời tổ chức và kỷ luật, tuân thủ nguyên tắc mà không thụ động, ỷ lại, phát huy vai trò cá nhân mà cũng xem trọng tính liên kết cộng đồng, tập thể. Phương pháp Hồ Chí Minh không chỉ là lý thuyết mà còn là thực hành, giáo dục nhận thức, đồng thời bồi dưỡng và phát triển năng lực, vun trồng tính cách, làm cho ở mỗi người, cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân; cái xấu, cái dở sẽ mất dần, rồi đi đến chỗ mất hẳn.
Phương pháp Hồ Chí Minh là hiện thân của tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Giá trị bền vững và sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học”
(Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012 – Sách dày 391 trang).
Trong cuốn sách này, GS Hoàng Chí Bảo đã trình bày một cách có hệ thống những tinh túy của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội khoa học. Tại Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng sáng tạo mà còn phát triển những vấn đề cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, độc lập – tự do – hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Trong những sáng tạo của Hồ Chí Minh về lý luận chủ nghĩa xã hội, Người đã để lại những dấu ấn đặc sắc khi tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ phương diện đạo đức và văn hóa. Đạo đức học Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là bảo đảm đạo đức cho uy tín, thanh danh, bản lĩnh của Đảng và cho sự bền vững của chế độ. Văn hóa học Hồ Chí Minh là văn hóa vì phát triển và đổi mới, thấy rõ văn hóa không ở bên ngoài mà ở bên trong kinh tế và chính trị, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa có sức mạnh chống lại mọi thứ phù hoa xa xỉ để bảo vệ lợi, quyền của dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho xã hội trở thành một xã hội văn hóa cao, dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái, trên cái nền của học vấn, học thức không ngừng được nâng cao, từng người và toàn dân. Đảng là đạo đức, là văn minh chính là tiêu biểu cho những tinh hoa của dân tộc và thời đại. “Có thể nói, Hồ Chí Minh trong những kiến giải về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã gợi mở cho chúng ta một khái quát lý luận cô đọng, được rút ra từ thực tiễn và tổng kết thực tiễn, rằng, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải làm đúng quy luật, phải thuận lòng dân và hợp thời đại”2.
“Chủ nghĩa xã hội hiện thực và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”
(Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012 – Sách dày 345 trang).
Trong cuốn sách này, GS Hoàng Chí Bảo đã trình bày một cách sinh động về chủ nghĩa xã hội hiện thực; lịch sử hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực, về những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ XX; đặc trưng của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong đổi mới với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – từ thực tiễn Việt Nam; về con đường “phát triển rút ngắn” và loại hình “quá độ gián tiếp” của các nước bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến tới chủ nghĩa xã hội – những nhận thức mới từ thực tiễn Việt Nam; về khoa học – cách mạng – nhân văn những điều kiện cần có của chủ nghĩa xã hội hiện thực mới ở Việt Nam. Con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là con đường phát triển rút ngắn. Để thích ứng với loại hình phát triển rút ngắn đó, cần phải áp dụng phương thức quá độ gián tiếp, tiến dần từng bước tới chủ nghĩa xã hội.
Trong cuốn sách này, GS Hoàng Chí Bảo với tầm nhìn và độ nhạy chính trị đã trình bày một cách khoa học về những khả năng, điều kiện và những đặc điểm của con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Theo GS Hoàng Chí Bảo, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là con đường quá độ tới chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, thì làm thế nào để xây dựng được chủ nghĩa xã hội với một bản chất tốt đẹp hơn, với một trình độ phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản. Điều này quy định con đường phải đi mang những đặc điểm gì, với cách đi như thế nào cho phù hợp? Muốn vậy, phải tính đến cái chung và cái riêng; giữa kế thừa và phát triển; giữa lọc bỏ và vượt qua chủ nghĩa tư bản để thay vào đó những yếu tố của chủ nghĩa xã hội, làm cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ khả năng đến hiện thực, từ định hướng thành định hình để tạo ra những năng lực xã hội mới. Đó là chế độ bảo đảm cho dân là chủ và dân làm chủ.
Trong cuốn sách này, GS Hoàng Chí Bảo đã phân tích khá sâu sắc về mối quan hệ giữa đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa với định hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; trình bày tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; trình bày giá trị xã hội chủ nghĩa trong thế giới đương đại.
Về mối quan hệ giữa đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa với định hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, GS Hoàng Chí Bảo đã nhấn mạnh đến yếu tố con người. “Trung tâm chú ý của chủ nghĩa xã hội, do đó, của định hướng xã hội chủ nghĩa là con người, là nhân dân lao động, trước hết là những tầng lớp cơ bản của xã hội (công nhân, nông dân, trí thức)”3. Nó được xác định bởi những luận đề tư tưởng mang tính bản chất của chủ nghĩa xã hội như sở hữu xã hội; nhân dân lao động làm chủ và là người chủ xã hội; nhà nước của dân, do dân, vì dân; dân chủ, công bằng và bình đẳng xã hội cho mọi người lao động; tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng xã hội, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; con người là nguồn lực quan trọng bậc nhất có tính chất quyết định đối với phát triển, là nguồn lực của mọi nguồn lực; con người là mục tiêu, động lực và chủ thể của phát triển, của đổi mới, của chủ nghĩa xã hội.
“Từ thực tiễn đổi mới đến nhận thức lý luận mới về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (1986-2011)”
(Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012 – Sách dày 362 trang).
Cuốn sách phân tích về những nhân tố tác động của tình hình thế giới tới công cuộc đổi mới; tác động của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi căn bản tới sản xuất và đời sống xã hội; toàn cầu hóa kinh tế gắn liền với quá trình tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa, một xu thế khách quan và phổ biến. Tác giả đã đi sâu phân tích văn hóa của nhân loại, văn hóa Việt Nam. “Văn hóa thể hiện diện mạo, linh hồn, sức sống của mỗi dân tộc. Nó đích thực là tấm căn cước mà mỗi dân tộc tự biểu hiện, tự nói về mình, tự khẳng định mình trong giao lưu, tiếp xúc với các dân tộc khác và với cộng đồng rộng lớn toàn nhân loại”4. Theo GS Hoàng Chí Bảo, văn hóa chính là hệ giá trị phổ biến, phổ quát, có sức sống và sức trường tồn trong lịch sử. Đó là hệ giá trị chân – thiện – mỹ, là thước đo nhân tính, là trình độ người trong phát triển. Vấn đề đặt ra đối với chúng ta hiện nay là xây dựng và phát triển văn hóa, vìmột nền hòa bình, thái độ và tinh thần khoan dung văn hóa để các dân tộc xích lại gần nhau, hòa hợp và hợp tác. Đó là một đòi hỏi khách quan và cũng là ý nguyện chủ quan của mỗi dân tộc.
Cuốn sách đã phân tích những vấn đề cơ bản về cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội và những giải pháp cho nó để thoát ra khỏi khủng hoảng và tiếp tục đưa cách mạng tiến lên. GS Hoàng Chí Bảo nhận định khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội không phải là một định mệnh, mà nó hoàn toàn có khả năng sửa chữa, khắc phục, nếu đảng cộng sản cầm quyền biết cách tháo gỡ nó bằng những giải pháp, cải cách theo đúng quy luật phát triển của nó. Khủng hoảng không tất yếu dẫn đến đổ vỡ nếu có một đường lối và phương pháp cải tổ, cải cách, đổi mới đúng đắn và phát triển. Để phát triển, chủ nghĩa xã hội phải phục vụ con người. Con người dựa trên sự lựa chọn của chủ nghĩa xã hội như một hình thức hợp lý nhất để đạt tới mục tiêu giải phóng mình và giải phóng xã hội.
Cuốn sách đã dành một phần quan trọng để phân tích về công cuộc đổi mới ở Việt Nam, về những thành tựu mà nhân dân ta đã giành được trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời, cũng chỉ ra những thiếu sót trong quá trình thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới cùng những giải pháp khắc phục nó. Theo GS Hoàng Chí Bảo, thành tựu lý luận về công cuộc đổi mới ở Việt Nam là chúng ta đã xác định được xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lấy phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân; Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, vì một nền hòa bình, ổn định và phát triển của nhân loại. Thành tựu trong nhận thức lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, trước hết, thể hiện ở nhận thức mới về chủ nghĩa Mác – Lênin và thời đại ngày nay, về cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực và những sai lầm của cải tổ dẫn đến sự đổ vỡ chế độ xã hội chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và châu Âu, về vai trò của lý luận đối với hoạt động lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng. Theo GS Hoàng Chí Bảo, đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội là khâu đột phá của mọi đột phá ở nước ta. Nó từng bước dẫn tới nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đây là lời giải đáp lý luận cho bài toán thực tiễn về phát triển ở nước ta.
Đọc những tác phẩm của GS Hoàng Chí Bảo, người ta thấy mạch tư duy thông suốt, nhất quán, sáng tạo của một nhà khoa học lý luận chính trị, tạo nên một đường thẳng từ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội khoa học đến những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Cái sau không phủ nhận cái trước, nhưng phải phát triển nó, nâng tầm cao mới của cả lý luận và thực tiễn phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và của thời đại. Đây vừa là vấn đề kinh điển, vừa là vấn đề khoa học và thời sự lý luận – thực tiễn ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của một nhà khoa học lớn: GS,TS Hoàng Chí Bảo.
PGS, TS Đức Vượng
Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu nhân tài – nhân lực