Mời bạn bấm vào link dưới đây để tải xuống file đầy đủ:
[PDF] “Chiếu dời đô” từ góc nhìn triết học, đạo đức học và mỹ học
I. Tóm tắt nội dung tài liệu
Khẳng định “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn là một kiệt tác mang những giá trị nhiều chiều, nhiều lớp có ý nghĩa không chỉ đối với quá khứ, mà còn đối với hôm nay và mai sau, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và luận giải những giá trị đó từ phương diện triết học, đạo đức học và mỹ học qua quan niệm của Lý Công Uẩn về mệnh trời và lòng dân, về bổn phận và vai trò của kinh đô – nơi thắng địa. Với những luận giải đó, tác giả đã làm rõ tầm nhìn chiến lược đậm tính triết học, đức độ nhân ái lớn lao, cảm hứng và thị hiếu thẩm mỹ mạnh mẽ, tinh tế trong “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn.
Những sáng tạo văn hoá đích thực luôn là những khối đa diện mà nhìn nhận từ phương diện, chiều cạnh nào cũng có thể tìm ra và khai thác được những lớp nghĩa và giá trị của chúng. Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn là một sáng tạo, một tác phẩm như vậy. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá tác phẩm này từ các phương diện sử học, văn học, chính trị học, văn hoá học, xã hội học, địa lý học,… Nhưng, dường như càng nghiên cứu, càng khai thác thì Chiếu dời đô càng ánh lên những giá trị nhiều chiều, nhiều lớp có ý nghĩa không chỉ đối với quá khứ, mà còn đối với hôm nay và mai sau. Trong tinh thần đó, bài viết này muốn góp phần tìm hiểu lớp nghĩa, ý nghĩa và giá trị của kiệt tác này từ phương diện triết học, đạo đức học và mỹ học.
Như chính tên của nó, Chiếu dời đô có nội dung là những lý giải của Lý Công Uẩn về sự cần thiết phải dời đô từ Hoa Lư ra Đại La để tạo điều kiện cho sự phát triển đất nước. (*)
Bằng việc khảo sát những cuộc dời đô trong lịch sử Trung Hoa, Lý Công Uẩn đã chỉ ra cho mọi người thấy rằng, nhà Thương đến Bàn canh đã dời đô năm lần, nhà Chu đến Thành vương đã dời đô ba lần. Như vậy, việc dời đô đã có tiền lệ và là hiện tượng bình thường. Kinh đô, như sự lý giải của Lý Công Uẩn, gắn liền với sự hưng vong của một triều đại, một dân tộc, một quốc gia. Một triều đại muốn mưu toan nghiệp lớn, một quốc gia muốn cường thịnh, bền vững, trường tồn cần phải có một kinh đô đủ tư cách là đầu mối giao thông, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá để không chỉ mưu toan nghiệp lớn, đáp ứng các yêu cầu hiện tại, mà còn “tính kế muôn đời cho con cháu mai sau”(1). Vì vậy, dời đô hay định đô ở đâu là một việc hệ trọng. Chính tính chất hệ trọng này đã làm cho việc dời đô, định đô liên quan và bị quy định bởi mệnh trời và lòng dân. Theo nghĩa đó, nhà Thương, nhà Chu dời đô là bởi “trên kính mệnh trời, dưới thể theo lòng dân”, đó hoàn toàn không phải là một việc làm tùy tiện, ngẫu hứng. Nói cách khác, việc dời đô và định đô ở đâu là do những yêu cầu khách quan quy định.
Như chúng ta đều biết, các khái niệm mệnh trời và lòng dân vốn là các khái niệm mà Nho giáo đã được sử dụng phổ biến trong học thuật và trong quản lý xã hội ở Trung Hoa từ cổ đại đến bấy giờ. Những khái niệm này được dẫn xuất từ một quan niệm tổng thể: Trời sinh ra con người và vạn vật, vua là người lĩnh mệnh trời, noi theo trời mà cai trị dân chúng.
Mặc dù lớn lên trong sự giáo dục của nhà Phật, chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo, nhưng với nhãn quan triết học và chính trị sâu sắc, Lý Công Uẩn vẫn nhận ra ưu thế của Nho giáo trong xây dựng triều đại và phát triển đất nước. Bởi thế, ông đã vận dụng các khái niệm mệnh trời và lòng dân làm căn cứ lý luận cho những lập luận của mình, đồng thời đem đến cho chúng những nội dung cụ thể, xác định. Mệnh trời và lòng dân là những khái niệm có nhiều sắc thái ý nghĩa; trong nhiều trường hợp, chúng được lý giải một cách duy tâm, thần bí. Với trường hợp này, theo chúng tôi, Lý Công Uẩn đã tận dụng lợi thế của cặp khái niệm đã được sử dụng phổ biến của tư duy triết học chính trị đương thời nhằm khẳng định yêu cầu khách quan của việc dời đô, qua đó gia tăng tính thuyết phục về mặt lý luận cho Chiếu dời đô(1).
Trong quan niệm Nho giáo, mệnh trời và lòng dân là thống nhất; lòng dân là biểu hiện của mệnh trời. Nhưng làm sao có thể biết được mệnh trời và lòng dân? Trong trường hợp này, năng lực, tầm nhìn chiến lược của các bậc đế vương, những người lĩnh, kính mệnh trời là có ý nghĩa quyết định tối hậu. Nói cụ thể hơn, việc nắm bắt mệnh trời và lòng dân thể hiện ở chỗ: Nhận ra hạn chế của kinh đô cũ về mặt vị trí và tầm vóc mà nó cần phải có, đồng thời, thấy được ưu thế của vùng đất mới, nơi sẽ định đô.
Theo Lý Công Uẩn, Hoa Lư là vùng đất thấp, trũng, hẻo lánh, chật hẹp không đáng làm chỗ định đô của bậc đế vương, không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong điều kiện mới. Nhà Đinh, nhà Lê không nhận ra điều đó, nghĩa là không biết được ý trời, mệnh trời, vì vậy mà “Triều đại không được bền lâu, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật tiêu điều”. Trong đánh giá này có hàm ý rằng, những tai dị không chỉ nhà Đinh, nhà Lê mà cả trăm họ phải gánh chịu chính là do không biết, không lĩnh mệnh trời. Nhà Đinh, nhà Lê không biết mệnh trời còn bởi họ không thấy thành Đại La “ở nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng lượn hổ chầu, đã đúng ngôi nam bắc tây đông, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi, đất rộng
PGS.TS. NGUYỄN VĂN PHÚC
II. Tải xuống tài liệu
[PDF] “Chiếu dời đô” từ góc nhìn triết học, đạo đức học và mỹ học