Qua theo dõi công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên toàn quốc, chúng tôi thấy các Thanh tra viên và cán bộ làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xác minh, thu thập chứng cứ thanh tra. Để góp phần khắc phục vấn đề trên, chúng tôi xin giới thiệu chuyên đề này để phần nào tháo gỡ khó khăn cho công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
1. Nhận thức chung về người làm chứng và lấy lời khai người làm chứng
1.1. Khái niệm và phân loại người làm chứng
a. Khái niệm
* Người làm chứng
Thuật ngữ người làm chứng (Eye – witness) dùng để chỉ người chứng kiến một sự việc hiện tượng đã xảy ra và có thể mô tả lại cho người khác về sự việc đó (theo từ điển tiếng Việt).
Theo từ điển pháp luật thì: “Người làm chứng là người tham gia tố tụng. Người nào biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án; có nghĩa vụ khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án…”
Người làm chứng trong công tác thanh tra được định nghĩa như sau:
Người làm chứng trong công tác thanh tra là người biết được những sự vật, hiện tượng có liên quan đến đối tượng thanh tra và nội dung thanh tra, được cán bộ thanh tra lấy lời khai theo luật định.
Như vậy, người làm chứng trong công tác thanh tra trước hết phải là người biết được những tình tiết có liên quan đến nội dung thanh tra và đối tượng thanh tra. Đây là nội dung thể hiện bản chất của người làm chứng. Nếu một người nào đó không biết những tình tiết có liên quan đến nội dung thanh tra thì họ không thể trở thành người làm chứng mặc dù họ có thể được cơ quan thanh tra tiến hành lấy lời khai theo đúng trình tự pháp luật quy định. Đương nhiên trong trường hợp này việc lấy lời khai của họ không giải quyết được yêu cầu thanh tra đòi hỏi.
Nội dung vấn đề người làm chứng biết được là những tình tiết có ý nghĩa làm rõ nội dung thanh tra, làm rõ hành vi sai phạm của đối tượng thanh tra hoặc có thể là những vấn đề thuộc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Ngoài ra, người làm chứng cần phải là người được cơ quan thanh tra tiến hành lấy lời khai theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Những quy định về trình tự, thủ tục này sẽ tạo ra mối quan hệ về mặt pháp lý giữa người làm chứng với cơ quan có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai. Nó xác lập vị trí pháp lý của người làm chứng, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi cũng như hậu quả pháp lý khi người làm chứng có hành vi khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, nó cũng làm phát sinh trách nhiệm của cơ quan thanh tra khi lấy lời khai của họ.
* Lấy lời khai người làm chứng
Lấy lời khai người làm chứng là thuật ngữ dùng để chỉ việc cán bộ thanh tra tác động đến người làm chứng bằng ngôn ngữ, biểu cảm, ghi chép biên bản, ghi âm… nhằm thu thập các thông tin có liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến đối tượng thanh tra hoặc nội dung thanh tra.
Như vậy Lấy lời khai người làm chứng không đơn thuần là ghi chép biên bản mà chỉ là một thuật ngữ nghiệp vụ bao gồm nhiều thao tác đã nêu ra trong định nghĩa trên.
b. Phân loại người làm chứng
Người làm chứng trong các nội dung thanh tra được phân chia thành nhiều loại dựa trên các căn cứ khác nhau. Mục đích phân loại nhằm định hướng cho việc áp dụng kỹ thuật lấy lời khai người làm chứng một cách hợp lý và có hiệu quả nhất. Thông thường, có 8 cách phân loại chủ yếu sau:
Cách 1: Căn cứ vào phạm vi quản lý của đơn vị thanh tra có thể phân chia người làm chứng thành:
- Người làm chứng trong nội bộ cơ quan đang thanh tra: Ví dụ như trong cuộc thanh tra việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi tại thành phố H thì chị T là nhân viên Phòng hộ tịch đã khai báo cho Đoàn thanh tra về việc Lãnh đạo Sở đồng ý giải quyết cho 1 cháu đã 16 tuổi làm con nuôi người nước ngoài nhưng theo quy định của pháp luật là không được quá 15 tuổi.
- Người làm chứng ở cơ quan khác hoặc ngoài xã hội.
Cách 2: Căn cứ vào nguồn hiểu biết của người làm chứng về các vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra mà có thể chia người làm chứng thành:
- Người làm chứng có sự hiểu biết trực tiếp.
Đây là những người trực tiếp chứng kiến các tình tiết liên quan tới vụ việc và đối tượng thanh tra khi sự việc đang xảy ra (ví dụ: mắt họ nhìn thấy đối tượng thanh tra nhận tiền hối lộ; tai họ nghe thấy sự thoả thuận ….)
Cách 3: Căn cứ vào đặc điểm ngôn ngữ và quốc tịch có thể chia người làm chứng thành:
- Người làm chứng là công dân Việt Nam;
- Người làm chứng là công dân Việt Nam nhưng không biết tiếng phổ thông như một số đồng bào thuộc dân tộc thiểu số;
Đây là người làm chứng biết được những tình tiết liên quan đến vụ việc qua người khác hay qua tài liệu.
- Người làm chứng là người nước ngoài (trong thanh tra việc kết hôn với người nước ngoài …).
Cách 4: Căn cứ vào sự liên quan hay không liên quan đến đối tượng thanh tra mà chia người làm chứng thành:
- Người làm chứng do những điều kiện, hoàn cảnh nào đó mà họ biết được các hành vi sai phạm hay những tình tiết khác của vụ việc hoặc quen, biết đối tượng thanh tra của vụ việc đó;
- Người làm chứng liên quan đến đối tượng thanh tra. Ví dụ như chị T như đã nêu trên.
Đây là loại người mà trong vụ việc đó họ đã có những hành vi sai phạm nhưng không có trong quyết định thanh tra. Do vậy vào thời điểm lấy lời khai thì họ đang ở vị trí là người làm chứng. Đối với loại này phải đề phòng, thận trọng với lời khai của họ vì họ có liên quan đến nội dung thanh tra nên sẽ có động cơ che giấu sự thật.
Cách 5: Căn cứ vào mối quan hệ xã hội với đối tượng thanh tra hay đối với những vụ việc cán bộ xử lý oan sai, bị vu khống mà chia người làm chứng thành:
- Người làm chứng không có quan hệ thân thuộc hoặc phụ thuộc với đối tượng thanh tra.
- Người làm chứng không có quan hệ thân thuộc với đối tượng thanh tra
Cách 6: Căn cứ vào trình độ học vấn nghề nghiệp của người làm chứng có thể chia người làm chứng thành:
- Người làm chứng bị mù chữ.
- Người làm chứng có trình độ hoặc nghề nghiệp nhất định. Trong công tác Thanh tra Tư pháp phải đặc biệt chú ý những người làm công tác pháp luật lại lâu năm trong nghề, ví dụ như chị T là người làm chứng nêu trên là Cử nhân Luật và đã công tác hơn 20 năm trong nghề làm Hộ tịch viên.
Cách 7: Căn cứ vào đặc điểm thể chất, tinh thần của người làm chứng có thể chia người làm chứng thành:
- Người làm chứng bình thường về tinh thần, thể chất.
- Người làm chứng có khuyết tật về thể chất, tinh thần nhưng họ vẫn có khả năng làm chứng. Ví dụ: Người làm chứng bị câm nhưng họ nhìn và nghe thấy các đối tượng thanh tra bàn bạc, đưa tiền hối lộ cho người khác để tham ô tài sản của cơ quan. Trong trường hợp này tuy người làm chứng có khuyết tật về thể chất nhưng vẫn có thể báo cáo lại bằng văn bản cho cơ quan thanh tra.
Cách 8: Căn cứ vào độ tuổi có thể phân chia người làm chứng thành:
- Người làm chứng là vị thành niên (phải có người giám hộ khi lấy lời khai)
- Người làm chứng từ 18 tuổi trở lên.
1.2. Cơ sở pháp lý, đặc điểm, các yếu tố ảnh hưởng đến việc lấy lời khai người làm chứng
a. Cơ sở pháp lý của việc lấy lời khai người làm chứng
Tại các Điều: 39, 40, 42, 49, 50 của Luật Thanh tra đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn Thanh tra là Thanh tra viên như sau:
“ Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin tài liệu đó…”
b. Đặc điểm của việc lấy lời khai người làm chứng
Nhìn chung việc lấy lời khai người làm chứng của các cơ quan Thanh tra, Điều tra, Kiểm sát, Toà án là giống nhau, nhưng riêng trong công tác thanh tra có 3 nét đặc trưng sau:
- Người làm chứng thường là cán bộ, công chức nhà nước.
- Thường là những người có trình độ văn hoá và trình độ chuyên môn có liên quan đến lĩnh vực đang thanh tra.
- Hành lang pháp lý chưa đầy đủ, cụ thể để hỗ trợ cho cán bộ thanh tra trong công tác, thiếu các công cụ, biện pháp mạnh, đặc biệt không có chế tài khi người làm chứng không chịu hợp tác với cơ quan thanh tra hoặc cố tình khai báo gian dối gây khó khăn cho công tác thanh tra. Ví dụ trong việc thanh tra việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài tại tỉnh B, cán bộ thanh tra đã nhiều lần thuyết phục, giáo dục yêu cầu anh T khai báo về quan hệ của anh với cán bộ Phòng hộ tịch trong việc làm thủ tục cho con đi làm con nuôi người nước ngoài nhưng anh T đã không chịu hợp tác, khai báo với Đoàn Thanh tra nên gây khó khăn trở ngại cho việc thu thập chứng cứ.
Đặc biệt trong công tác Thanh tra Tư pháp có 2 nét đặc trưng sau:
- Thường là những công chức có trình độ kiến thức cao về Pháp luật có thể là cử nhân Luật, thạc sỹ Luật, tiến sỹ Luật, hoạt động lâu năm trong ngành Tư pháp.
- Thường là những công chức được Nhà nước giao cho một số quyền năng nhất định như thẩm phán, chấp hành viên thi hành án dân sự, công chứng viên…
Từ những đặc điểm trên, người cán bộ thanh tra phải hết sức thận trọng, khéo léo vận dụng các biện pháp nghiệp vụ theo phương châm “Không hình sự hoá nhưng cũng không hành chính hoá công tác thanh tra” , đảm bảo công tác thanh tra phải khách quan, toàn diện. Kết luận đúng người, đúng lỗi, chỉ rõ cái đúng, cái sai, cái cần uốn nắn, sửa đổi để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước.
c. Các yếu tố khách quan và chủ quan làm ảnh hưởng đến lời khai của người làm chứng
c1. Quá trình hình thành lời khai của người làm chứng
Để đánh giá đúng lời khai và áp dụng phù hợp những kỹ thuật lấy lời khai của người làm chứng, Thanh tra viên cần phải hiểu được quá trình hình thành lời khai và những yếu tố ảnh hưởng đến hiểu biết và lời khai của người làm chứng.
Quá trình hình thành lời khai của người làm chứng được biểu diễn qua sơ đồ sau:
Khi người làm chứng khai báo, nội dung lời khai của họ nằm trong khuôn khổ những điều họ nhớ và hồi tưởng lại được, nội dung lời khai có thể đầy đủ, chính xác, nhưng cũng có thể không đầy đủ, bị sai lệch do ảnh hưởng của những yếu tố khách quan và chủ quan.
c2. Các yếu tố khách quan có thể làm ảnh hưởng đến sự hiểu biết và lời khai của người làm chứng
– Khoảng thời gian người làm chứng cảm giác, tri giác sự vật, hiện tượng xảy ra.
– Khoảng cách giữa người làm chứng và đối tượng cảm giác, tri giác.
– Thời gian từ khi cảm giác, tri giác đến khi trình bày với cơ quan thanh tra.
– Bối cảnh lúc người làm chứng cảm giác, tri giác sự vật, hiện tượng.
– Tính chất đặc điểm của các sự vật, hiện tượng có liên quan đến nội dung thanh tra.
– Điều kiện thời tiết thuận lợi hay không thuận lợi cho việc cảm giác, tri giác (như mưa to, gió lớn, sấm chớp, sương mù…)
c3. Các yếu tố chủ quan làm ảnh hưởng đến sự hiểu biết và lời khai của người làm chứng
– Tình trạng sức khoẻ của người làm chứng khi cảm giác tri giác sự kiện hiện tượng của người làm chứng có chủ định hay không có chủ định;
– Tình trạng các giác quan của người làm chứng (mắt người làm chứng có tinh tường không, tai có thính hay không);
– Người làm chứng có hoặc không có những kiến thức để hiểu biết sự vật, hiện tượng mà mình cảm giác, tri giác được.
Ngoài ra, từ thực tiễn thanh tra cho thấy các yếu tố sau đây cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự hiểu biết và quá trình hình thành lời khai của người làm chứng.
– Mức độ liên quan của người làm chứng đến các hành vi sai phạm mà cơ quan thanh tra đang tiến hành thanh tra.
– Mối quan hệ của người làm chứng với đối tượng thanh tra (có thể là quan hệ về tình cảm, về gia đình, sự phụ thuộc về kinh tế, chính trị…)
– Người làm chứng bàng quan, không để ý đến công việc.
– Kiến thức, trình độ chuyên môn của người làm chứng có hạn chế.
– Do thiếu thông tin nên hiểu biết của người làm chứng về vụ việc và đối tượng thanh tra có thể bị sai lệch.
– Người làm chứng có quan điểm, lợi ích cục bộ, không chính đáng.
– Sự hiểu biết về các sự vật, hiện tượng và lời khai của người làm chứng bao giờ cũng chịu sự chi phối, ảnh hưởng của các yếu tố khách quan và chủ quan trên. Do đó, khi tiến hành lấy lời khai của người làm chứng Thanh tra viên phải tính toán đến những yếu tố đó để lựa chọn phương pháp, kỹ thuật lấy lời khai cho phù hợp.
2. Nội dung lấy lời khai người làm chứng
Lấy lời khai người làm chứng nhằm mục đích thu thập chứng cứ theo luật định của cơ quan thanh tra, phục vụ cho nội dung thanh tra, công tác phòng ngừa các hành vi sai phạm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Vì vậy, lấy lời khai người làm chứng đòi hỏi phải mang tính chất nghiệp vụ, và tính pháp lý, đối với Thanh tra Tư pháp phải được coi trọng hàng đầu.
2.1. Nhiệm vụ của cán bộ lấy lời khai người làm chứng
a. Lấy lời khai đầy đủ, chính xác và khách quan từ những người làm chứng về những tình tiết của nội dung đang thanh tra và đối tượng thanh tra
Theo Luật định thì người làm chứng có nghĩa vụ khai báo và khai đúng sự thật với cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành lấy lời khai. Nhưng làm thế nào để người làm chứng khai báo trung thực, đầy đủ, khách quan, chính xác về những tình tiết có liên quan đến vụ việc mà họ biết lại là nhiệm vụ của cán bộ lấy lời khai. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho người làm chứng không chịu khai hoặc khai không đúng sự thật. Do đó phải có phương pháp, kỹ thuật khắc phục những nguyên nhân đó.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước hết, Thanh tra viên phải khách quan, công minh chính trực và có phương pháp, kỹ thuật lấy lời khai tốt. Phải tạo được trong nhận thức người làm chứng sự tôn trọng pháp luật và các quy tắc chung của xã hội. Thanh tra viên phải xác định được mục đích cụ thể khi đề ra phương pháp lấy lời khai và tiến hành giải thích, thuyết phục, tác động người làm chứng một cách tích cực, chủ động.
Nội dung của việc giải thích, thuyết phục và tác động người làm chứng phải trên cơ sở pháp luật, đúng với thẩm quyền của Thanh tra viên và phù hợp với đạo đức xã hội.
Khi áp dụng các phương pháp, cách thức giải thích, thuyết phục và tác động người làm chứng Thanh tra viên cần tính đến yếu tố tâm lý sợ hãi hoặc những tổn thương tinh thần của họ khi trình bày sự thật và những yếu tố ảnh hưởng đến sự hiểu biết và lời khai của người làm chứng, đặc biệt đối với người làm chứng có liên quan đến đối tượng thanh tra.
Việc giải thích, thuyết phục và tác động người làm chứng để lấy được lời khai đầy đủ chính xác và khách quan về những tình tiết của vụ việc mà người làm chứng biết phải được Thanh tra viên quan tâm trong suốt quá trình lấy lời khai của họ. Tránh giải thích, thuyết phục và tác động một cách chung chung.
b. Phát hiện thêm tài liệu mới, tình tiết mới để phục vụ cho việc kiểm tra phòng ngừa vi phạm
Ngoài những tình tiết của vụ việc và đối tượng thanh tra của vụ việc đó mà người làm chứng biết họ còn có thể nắm được nhiều vấn đề có liên quan khác, nếu được khai báo triệt để sẽ phục vụ tốt cho việc kết luận thanh tra có chất lượng cao, kiểm tra phòng ngừa vi phạm.
2.2. Phương pháp lấy lời khai người làm chứng
Gồm 2 giai đoạn: chuẩn bị và tiến hành lấy lời khai người làm chứng.
a. Giai đoạn chuẩn bị:
+ Nghiên cứu, phân tích và tổng hợp mọi tin tức, tài liệu có liên quan
Nghiên cứu, phân tích và tổng hợp mọi tin tức, tài liệu có liên quan đến vụ việc là khâu đầu tiên và cũng là một khâu quan trọng trong công tác lấy lời khai người làm chứng. Có nghiên cứu thì Thanh tra viên mới nắm chắc diễn biến chung của vụ việc, tìm được người làm chứng, tiếp theo là chọn được cách hỏi người làm chứng có hiệu quả.
Yêu cầu cần đạt được khi nghiên cứu, phân tích, tổng hợp mọi tin tức tài liệu có liên quan đến vụ việc giai đoạn này là:
– Nắm vững diễn biến của vụ việc một cách chi tiết, đầy đủ và chính xác trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã có.
– Xác định được những vấn đề cần phải có người làm chứng.
– Xác định được diện người làm chứng của vụ việc và người làm chứng cụ thể cho từng vấn đề.
Thanh tra viên phải đi sâu vào việc nghiên cứu hồ sơ vụ việc và tình hình có liên quan đến vụ việc, nghiên cứu phân tích tài liệu và vật chứng thu được, thu thập tin tức rộng rãi trong quần chúng để xác định diện người làm chứng, tìm những người có thể làm chứng được.
Những yêu cầu không chỉ đặt ra ở giai đoạn chuẩn bị, mà phải được quán triệt trong quá trình lấy lời khai cũng như quá trình thanh tra cho tới khi kết thúc thời hạn thanh tra.
+ Tìm và nghiên cứu đối tượng để lấy lời khai người làm chứng
Thực tế cho thấy làm tốt việc tìm người làm chứng sẽ giúp cho quá trình thu thập, củng cố chứng cứ và vấn đề cần phải chứng minh được nhanh chóng, đỡ tốn công sức và không tràn lan, rút ngắn được thời gian thanh tra.
Chọn người để làm chứng cần hướng vào những người biết trực tiếp, những người hiểu biết được những tin tức tình tiết quan trọng, nắm được vấn đề một cách sâu sắc, đầy đủ, chính xác và dễ khai báo, có khả năng phản ánh sự hiểu biết của mình tốt nhất.
Nếu nhiều người có thể làm chứng, nhưng sự hiểu biết của mỗi người lại ở những khía cạnh khác nhau của vấn đề cần phải chứng minh, thì ta chọn người làm chứng biết nội dung vấn đề theo thứ tự về thời gian hoặc theo diễn biến sự việc xảy ra.
Tuy nhiên, tuỳ từng trường hợp cụ thể Thanh tra viên phải lựa chọn và tổ chức lấy lời khai ngay đối với những người làm chứng mà lời khai của họ xác định được nhiều người biết việc có liên quan đến đối tượng thanh tra, có giá trị chứng minh trực tiếp hoặc làm cơ sở để áp dụng các quyền hạn của Thanh tra viên quy định tại Luật thanh tra; xác định được người và địa điểm còn cất giữ tang vật hoặc làm cơ sở để kết luận thanh tra.
Trong thực tiễn, có nhiều trường hợp phải đi từ việc lấy lời khai của người biết nhiều, từ người làm chứng nghe thuật lại đến người làm chứng có sự hiểu biết trực tiếp. Có trường hợp người biết những tin quan trọng lại ở xa hoặc đi công tác vắng, ta chưa có hoặc không có điều kiện để lấy lời khai của họ, thì vẫn có thể lấy lời khai của những người biết ít trước. Vì vậy Thanh tra viên phải linh hoạt, sáng tạo trong việc chọn người làm chứng để phục vụ kịp thời yêu cầu thanh tra, không rập khuôn máy móc.
Để có nội dung giải thích, thuyết phục và tác động phù hợp đối với từng người làm chứng, đồng thời dự kiến mọi tình huống khó khăn phức tạp có thể xẩy ta trong khi lấy lời khai của họ, Thanh tra viên phải xác định được họ thuộc loại người làm chứng nào và nghiên cứu kỹ con người đó trên tất cả các mặt.: lý lịch, tâm lý, các mối hệ giữa họ với các đối tượng thanh tra, với vụ việc… Cần đặc biệt nghiên cứu nắm vững những yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến sự trình bày của họ như: tâm lý sợ thù oán, sợ bị liên luỵ, sợ phiền phức, sĩ diện cá nhân, mê tín dị đoan….
+ Bố trí địa điểm lấy lời khai, chọn hình thức gặp người làm chứng
Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành tại trụ sở cơ quan thanh tra, nơi tiến hành thanh tra hoặc nơi người làm chứng đang có mặt (nếu xét thấy cần thiết). Chẳng hạn như người làm chứng là bệnh nhân, cán bộ lấy lời khai có thể đến tận nơi họ điều trị để lấy lời khai, hoặc đến tận cơ quan, xí nghiệp mà người cần làm chứng làm việc hoặc tại nhà riêng của họ để lấy lời khai… Trong trường hợp cần phải phải giữ bí mật cho người làm chứng thì ta phải chọn địa điểm bí mật để hỏi.
Nếu người làm chứng là trẻ em, nên bố trí địa điểm lấy lời khai ở những nơi các em thường lui tới như: trường học, câu lạc bộ… không nên yêu cầu các em đến cơ quan thanh tra.
Khi bố trí lấy địa điểm lời khai người làm chứng cần chú ý 4 vấn đề sau:
- Lấy lời khai ở địa điểm đảm bảo không lộ bí mật nội dung cuộc lấy lời khai.
- Không để ảnh hưởng xấu về mặt chính trị, tinh thần thái độ khai báo của người làm chứng.
- Không để ảnh hưởng nhiều tới việc đi lại, sinh hoạt sản xuất và công tác của người làm chứng.
- Nếu tiến hành lấy lời khai của nhiều người làm chứng cùng một lúc, phải bố trí địa điểm lấy lời khai riêng cho từng người và cần phải có biện pháp ngăn chặn những người làm chứng tiếp xúc với nhau trong thời gian lấy lời khai.
Chọn hình thức nào để gặp người làm chứng là tuỳ thuộc vào từng vụ việc cụ thể, người làm chứng cụ thể. Thanh tra viên cần phải căn cứ vào yêu cầu của việc lấy lời khai, đặc điểm tâm lý, điều kiện sinh hoạt, đi lại và công tác của người làm chứng để quyết định sẽ triệu tập hay đến tận nơi mà người làm chứng có mặt để lấy lời khai của họ kịp thời, đáp ứng yêu cầu thanh tra đặt ra.
Trong trường hợp triệu tập người làm chứng đến cơ quan thanh tra thì giấy triệu tập phải được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng cư trú, làm việc. Thanh tra viên phải tính toán bố trí khoảng thời gian cần thiết từ khi giao giấy triệu tập đến khi người làm chứng có mặt, đủ để cho người làm chứng chuẩn bị trước khi đến cơ quan thanh tra theo giấy triệu tập. Sau khi nhận được giấy triệu tập mà người làm chứng không chịu đến thì buộc Thanh tra viên phải tìm đến tận nơi cư trú hoặc làm việc của người làm chứng.
Trường hợp đến nơi mà người làm chứng có mặt để lấy lời khai, Thanh tra viên phải nói rõ lý do gặp người làm chứng tại địa điểm đó, giới thiệu mình với tư cách là Thanh tra viên được giao nhiệm vụ lấy lời khai của họ theo luật định.
Trường hợp đến nơi mà người làm chứng không chịu tiếp, Thanh tra viên cần phải kiên trì giảng giải thuyết phục cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ của mình theo pháp luật quy định.
Đặc biệt có trường hợp sau khi Thanh tra viên kiên trì giảng giải thuyết phục cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ của mình theo pháp luật quy định mà người làm chứng vẫn không chịu làm việc thì phải chuẩn bị 2 phương án sau:
Phương án 1: Phối hợp với công an cơ sở (xã, phường, quận, huyện) để buộc người làm chứng phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo pháp luật quy định.
Phương án 2: Nếu người làm chứng có liên quan đến đối tượng thanh tra mà có sai phạm thì phải đấu tranh vạch rõ sai phạm pháp luật của người làm chứng làm giảm bớt thái độ chống đối, bất hợp tác của người làm chứng. Ví dụ như người làm chứng là giám đốc công ty H trong đợt thanh tra việc sử dụng kinh phí hành chính sự nghiệp của cơ quan A. Nhờ chỉ rõ ra việc anh H dùng hoá đơn giả để bán hàng cho cơ quan A mà anh H đã chuyển đổi thái độ từ bất hợp tác sang hợp tác với cán bộ thanh tra.
Nói chung, việc tổ chức gặp người làm chứng trong thực tế thanh tra rất đa dạng. Song, trong mọi trường hợp không được trái với quy định của pháp luật, không lộ thủ đoạn nghiệp vụ của Ngành, không vi phạm đường lối, chính sách của Đảng. Do đó Thanh tra viên phải linh hoạt, sáng tạo và dựa vào pháp luật khi tiến hành hoạt động thanh tra này.
+ Vạch kế hoạch lấy lời khai chung và kế hoạch cụ thể đối với ngưới làm chứng
Vạch kế hoạch lấy lời khai người làm chứng trong quá trình thanh tra là việc làm hết sức cần thiết, giúp cho Thanh tra viên chủ động trong mọi tình huống nghiệp vụ, dự kiến được phương hướng, nội dung, cách tổ chức lấy lời khai như thế nào để đem lại hiệu quả cao.
Khi vạch kế hoạch lấy lời khai chung của vụ việc, cần dựa vào những căn cứ sau:
– Tình hình vụ việc và yêu cầu thanh tra cần làm rõ.
– Nhiệm vụ lấy lời khai người làm chứng đối với vụ việc đó.
– Địa bàn người làm chứng cư trú, công tác và học tập.
– Thân nhân từng người làm chứng.
– Đặc điểm tâm lý của từng người làm chứng.
– Tính chất của sự vật, hiện tượng cần làm rõ…
– Mục đích của việc vạch kế hoạch lấy lời khai chung của vụ việc là đảm bảo nhanh chóng lấy được tất cả lời khai của người làm chứng trong vụ việc, phục vụ kịp thời yêu cầu thanh tra, giúp cho Thanh tra viên hình dung được tổng quát khối lượng công việc phải thực hiện, từ đó đề ra phương pháp hay cách thức tổ chức lấy lời khai của người làm chứng một cách hợp lý và triệt để.
Kế hoạch lấy lời khai chung thường có những nội dung sau:
– Xác định những yêu cầu thanh tra cần được làm rõ bằng việc lấy lời khai người làm chứng.
– Danh sách những người làm chứng cho từng vấn đề cụ thể cần phải được làm rõ và yêu cầu cần đạt được khi lấy lời khai của họ.
– Cách tổ chức lấy lời khai người làm chứng;
– Dự kiến những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra…
– Những cán bộ tham gia tiến hành lấy lời khai của người làm chứng trong vụ việc đó.
Kế hoạch này được bổ sung trong quá trình thanh tra khi người làm chứng trong vụ việc đó.
Đối với từng người làm chứng, khi lấy lời khai của họ phải có kế hoạch riêng. Nội dung bản kế hoạch lấy lời khai riêng cho từng người làm chứng phải dựa vào kế hoạch lấy lời khai chung và nội dung vấn đề cần họ làm chứng, vào đặc điểm tâm lý của từng người…
Thông thường kế hoạch lấy lời khai từng người làm chứng cụ thể có những nội dung sau:
– Xác định được mục đích lấy lời khai đối người làm chứng đó.
– Những nội dung cần thu thập qua lấy lời khai của người làm chứng đó.
– Phương pháp, kỹ thuật lấy lời khai trong từng bước, từng loại cụ thể; những câu hỏi đặt yêu cầu người làm chứng trả lời;
– Địa điểm lấy lời khai, hình thức gặp người làm chứng đó;
– Cán bộ lấy lời khai, thời gian tiến hành và thời gian kết thúc;
– Dự kiến những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra và biện pháp giải quyết…
b. Tiến hành lấy lời khai người làm chứng
Việc tiến hành lấy lời khai của người làm chứng được xác định từ khi Thanh tra viên bắt đầu gặp gỡ, tiếp xúc với người làm chứng theo đúng thủ tục pháp luật. Để đảm bảo cho việc lấy lời khai của người làm chứng đạt kết quả tốt, cần tiến hành theo trình tự sau:
+ Thiết lập quan hệ tâm lý giữa người làm chứng và thanh tra viên
Thiết lập quan hệ tâm lý giữa người làm chứng và Thanh tra viên là một vấn đề rất quan trọng, mang tính chất kỹ thuật khi lấy lời khai của họ. Trong nhiều trường hợp nó quyết định sự thành công hay thất bại của việc lấy lời khai người làm chứng.
Mục đích của việc thiết lập quan hệ tâm lý giữa người làm chứng và Thanh tra viên nhằm tạo ra một bầu không khí bình thường mà ở đó Thanh tra viên và người làm chứng tôn trọng lẫn nhau; tạo cho người làm chứng có trạng thái tâm lý thoải mái, dân chủ, tin tưởng pháp luật và cơ quan thanh tra, dễ dàng trình bày hết sự hiểu biết của mình về vụ việc và đối tượng thanh tra . Vì vậy việc thiết lập quan hệ tâm lý với người làm chứng phải luôn luôn được tiến hành, duy trì và củng cố trong cả quá trình lấy lời khai của người làm chứng. Quá trình đó được bắt đầu từ khi Thanh tra viên gặp người làm chứng cho đến khi kết thúc việc lấy lời khai của họ.
Để thiết lập quan hệ tâm lý với người làm chứng, trước hết Thanh tra viên phải có thái độ đúng mực, phân tích có lý, có tình, lập luận sắc sảo, chặt chẽ. Tuyệt đối không được có thái độ thờ ơ hoặc biểu lộ thái độ hoài nghi đối với người làm chứng.
Đặc biệt, Thanh tra viên phải lựa chọn những ngôn từ và giọng điệu thích hợp, thông dụng dễ hiểu và lịch thiệp. Riêng cách xưng hô nên đi theo truyền thống Việt Nam, dùng các đậi từ nhân xưng tương ứng với tuổi tác của từng người để chứng tỏ vừa thân mật, vừa tôn trọng nhân cách của người đang giao tiếp. Thanh tra viên nên sử dụng các “ngôi” cho phù hợp để giữ gìn uy thế của cán bộ thanh tra. Thí dụ: nếu gọi người làm chứng bằng bác, ông, bà, cụ … thì chỉ xưng “tôi” vì lúc này Thanh tra viên đứng ở cương vị đại diện chính quyền nhà nước. Chỉ trừ khi giao tiếp không chính thức ngoài buổi làm việc, ngoài công việc mà mình đang giải quyết thì mới xưng hô theo đúng tuổi tác. Thí dụ gọi bác, ông, bà, cụ thì xưng bằng cháu.
Giọng điệu khi làm việc: Thanh tra viên cố gắng nói nhỏ nhẹ, êm ái thong thả và dõng dạc, không bao giờ mắng, gắt gỏng và hò hét mà gây cho người làm chứng có xúc cảm sợ sệt, bực tức, uất hận. Sự ngọt ngào bao giờ cũng làm cho người làm chứng phải dịu giọng và hài lòng, dù họ khó chịu đến mấy. Ngọt ngào là liều thuốc an thần cho mọi người, là ngọn lửa sưởi ấm bầu không khí giao tiếp được êm thấm thân mật và sẽ mang lại hiệu quả cao.
Ngôn ngữ biểu cảm là sự hỗ trợ cho ngôn ngữ nói để diễn tả tình cảm đối với người làm chứng. Chẳng hạn , khi nhìn thẳng, lúc nhìn tha thiết, khuyến khích, động viên, nhưng cũng có khi nhìn sắc sảo, trừng trừng kèm theo lời nói đanh thép. Như vậy, tuỳ theo sự diễn cảm của người làm chứng: vui, buồn, tức giận mà cần biểu cảm sao cho thích hợp. Để tỏ ý đồng tình, ta có thể gật đầu, miệng cười hay nắm chặt tay, bắt tay khăng khít. Để tỏ ý không đồng tình, ta có thể lắc đầu, bắt tay hờ hững, hoặc quay lưng đi trong khi họ nói, để tỏ ra không còn muốn nghe nữa. Sự biểu cảm tốt, đúng lúc sẽ giúp cho việc giao tiếp đạt kết quả cao.
Kinh nghiệm của hoạt động thanh tra cho thấy là phải biết cách sử dụng ngôn ngữ và biểu cảm trong ứng xử. Lời nói, nụ cười biểu lộ niềm vui trong giao tiếp phải thận trọng, thể hiện sự chân thật tôn nghiêm, thân thiết sao cho đúng lúc, đúng chỗ. Nhìn chung là không bao giờ được đùa cợt, khinh thường người làm chứng khi giao tiếp, giữ sao cho thân thiết nhưng không suồng sã để họ coi thường, lễ phép nhưng lại tỏ ra không sợ sệt, nghiêm túc nhưng không quá lạnh nhạt.
Thanh tra viên có thể cho người làm chứng biết trình tự buổi lấy lời khai. Ví dụ như đầu tiến người làm chứng phải kể lại hết những điều mà họ biết về vụ việc và đối tượng thanh tra của vụ việc đó, sau đó họ trả lời những câu hỏi do Thanh tra viên đặt ra, lời khai của người làm chứng sẽ ghi vào biên bản và người làm chứng có quyền thay đổi, điều chỉnh hay bổ xung vào biên bản… Đây cũng là việc làm cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập quan hệ tâm lý giữa người làm chứng và Thanh tra viên.
Trong thực tế, có nhiều trường hợp người làm chứng không khai hoặc khai không đúng sự thật là do Thanh tra viên không thiết lập được quan hệ tâm lý với người làm chứng, luôn luôn đặt người làm chứng ở trạng thái tâm lý căng thẳng, mất bình tĩnh không cần thiết, không có lợi cho việc khai thác sự hiểu biết của họ.
+ Xác định rõ nhân thân người làm chứng một lân nữa trước khi tiến hành lấy lời khai của họ
Mục đích của việc xác định rõ nhân thân người làm chứng một lần nữa trước khi tiến hành lấy lời khai của họ là để kiểm tra xem họ có đúng là người làm chứng không. Đồng thời tìm hiểu thêm những tin tức cần thiết về nhân thân và đặc điểm tâm lý của người làm chứng có liên quan đến việc lấy lời khai của họ để kịp thời bổ sung vào kế hoạch lấy lời khai.
Thông thường cách xác định nhân thân người làm chứng ở giai đoạn này là xem xét giấy triệu tập và giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận do đơn vị của họ cấp hoặc giấy tờ tuỳ thân khác. Khi làm việc này phải tế nhị, khéo léo, Thanh tra viên nên nghiêng về dạng trò chuyện, trao đổi. Không nhất thiết phải hỏi theo thứ tự giống các đề mục trong biên bản lời khai của người làm chứng.
+ Nói rõ lý do triệu tập, giải thích về trách nhiệm và quyền của người làm chứng
Mặc dầu người làm chứng đã nhận được giấy triệu tập nhưng buổi đầu trực tiếp gặp Thanh tra viên vẫn phải nói rõ lý do triệu tập, giải thích về trách nhiệm và quyền của người làm chứng
Cần phải giải thích cho người làm chứng thấy rõ họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu từ chối hoặc khai báo không đúng sự thật. Phải trình bày trung thực, đầy đủ những hiểu biết của mình về vụ việc và đối tượng thanh tra của vụ việc đang được thanh tra; phải giữ bí mật nội dung những vấn đề đã khai báo, trường hợp cần thiết phải yêu cầu giữ bí mật cả việc họ đến gặp cơ quan thanh tra.
Về quyền hạn, người làm chứng được quyền khai bằng tiếng dân tộc của mình, được yêu cầu viết bản tường thuật, được sửa chữa bổ xung nội dung biên bản theo đúng như lời họ trình bày, được quyền khiếu nại đối với những hành động vi phạm pháp luật của Thanh tra viên.
Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Thanh tra viên có cách giải thích trách nhiệm và quyền hạn của người làm chứng một cách sát hợp. Đối với một số người làm chứng nếu xét thấy cần thiết, có thể giải thích trách nhiệm theo Điều 53 Luật thanh tra cho họ biết.
+ Tiến hành khai thác sự hiểu biết của người làm chứng về những tình tiết có liên quan đến nội dung thanh tra
Tất cả những công việc trên đây chỉ là tạo điều kiện thuận lợi cho
việc lấy lời khai của người làm chứng. Tiến hành khai thác sự hiểu biết của người làm chứng mới là khâu trung tâm, vì thực chất của quá trình lấy lời khai người làm chứng được bắt đầu từ khi người làm chứng kể lại những gì mà họ đã biết về vụ việc và sau đó là trả lời những câu hỏi do Thanh tra viên đặt ra. Giai đoạn này đòi hỏi Thanh tra viên phải linh hoạt, sáng tạo, nắm vững và vận dụng pháp luật một cách nhuần nhuyễn; sử dụng tổng hợp mọi tin tức, tài liệu, chứng cứ về vấn đề cần hỏi cũng như sự hiểu biết về người làm chứng đó nhằm khai thác triệt để sự hiểu biết của họ.
Trước khi tiến hành khai thác sự hiểu biết của người làm chứng về những tình tiết có liên quan đến nội dung thanh tra chúng ta cần chuẩn bị sẵn một loạt câu hỏi và lời đối thoại để hướng nội dung vào trọng tâm vấn đề. Có thể coi sự chuẩn bị đó tương tự như có chiếc chìa khoá mở được cánh cửa lớn cho nguồn thông tin thêm phong phú. Đây là nghệ thuật trong giao tiếp đối với hoạt động thanh tra.
Trong giao tiếp, Thanh tra viên cần luôn luôn theo dõi sự biểu cảm của đối tượng để luận đoán ra tâm tư, tình cảm của họ, từ đó tìm ra bản chất sự việc. Vì vậy ngoài khả năng nhậy cảm, Thanh tra viên nên nẵm thêm môn diện mạo học để suy đoán bản chất con người; hoặc xem vân lòng bàn tay, các nốt ruồi, diện mạo khuôn mặt, tai, mắt, mồm. mũi, lông mày, môi, lưỡi, răng tóc, màu da… để có thể suy đoán các đặc tính tâm lý của người làm chứng (tất nhiên đây chỉ là sự tham khảo)
Thông thường có các cách đặt câu hỏi như sau:
– Đặt câu hỏi chung để họ kể lại toàn bộ sự việc mà họ biết về vụ việc và đối tượng thanh tra của vụ việc đó.
– Đặt những câu hỏi cụ thể để họ trả lời, qua đó dần dần nắm được toàn bộ sự hiểu biết của họ về vấn đề cần làm rõ.
– Nêu những yêu cầu cụ thể để người làm chứng viết bản tường trình hay báo cáo.
Áp dụng một hay cả ba cách đặt câu hỏi đó là tuỳ thuộc vào thái độ của người làm chứng và nội dung, tính phức tạp của vấn đề cần làm rõ.
Về nội dung hỏi Thanh tra viên có thể hỏi tất cả những gì có liên quan đến nội dung thanh tra mà người làm chứng biết được. Chẳng hạn như: diễn biến sự việc cần làm rõ, nhân thân đối tượng thanh tra: mối quan hệ giữa người làm chứng với đối tượng thanh tra. Thanh tra viên cần phải hỏi cả nguồn gốc những tin tức mà họ đã khai báo.
Yêu cầu khi đặt câu hỏi phải ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu nhưng không lộ ý định, lộ bí mật, không làm cho người làm chứng lo sợ, không đụng chạm đến vấn đề thuộc tình cảm cá nhân hoặc gia đình mà những vấn đề đó không có liên quan đến nội dung thanh tra.
Thanh tra viên cần chú ý không được vặn hỏi, hỏi dồn dập làm cho họ lúng túng. Khi người làm chứng trình bày, Thanh tra viên phải lắng nghe những điều mà người làm chứng nói, không cắt ngang, không phủ nhận những gì họ khẳng định một cách vội vàng, không có căn cứ. Trong trường hợp họ nói dài dòng, lạc ý thì ta cần khéo léo hướng họ trả lời vào nội dung chính của câu hỏi. Nếu người làm chứng khai báo lúng túng, lầm lẫn hoặc bị lãng quên thì cần phải động viên họ và khéo léo gợi ý để họ nhớ lại mà nói cho đúng sự thật.
+ Lập biên bản lấy lời khai người làm chứng
Biên bản lấy lời khai người làm chứng được lập theo mẫu quy định, trong trường hợp không có mẫu in sẵn thì có thể viết tay hoặc đánh máy theo mẫu. Biên bản lấy lời khai người làm chứng phải đảm bảo các yêu cầu cả về hình thức và nội dung. Có như vậy lời khai của người làm chứng mới có giá trị về mặt pháp lý. Khi cần thiết có thể vừa ghi biên bản, vừa ghi âm để lấy tài liệu phục vụ cho công tác đấu tranh.
Khi lập biên bản lấy lời khai người làm chứng phải đảm bảo những yêu cầu sau:
– Biên bản lấy lời khai người làm chứng phải phản ánh đầy đủ qúa trình khai thác sự hiểu biết của người làm chứng. Những điều được ghi vào biên bản phải phản ánh trung thực, chính xác nội dung lời khai. Ngoài những vấn đề người làm chứng khai báo, không được có nội dung nào khác, kể cả ý kiến và kết luận của Thanh tra viên.
– Khi ghi chép mỗi sự kiện mà người làm chứng khai, cần phải ghi rõ vì sao họ biết được sự kiện đó ?, biết trực tiếp hay nghe thuật lại ?, bao giờ ?, ở đâu? …
– Ngôn ngữ sử dụng trong biên bản phải phù hợp với ngôn ngữ và văn phong của người làm chứng. Không nên dùng những từ mà họ không hiểu.
Về phương pháp ghi biên bản, Thanh tra viên có thể để cho người làm chứng kể lại những gì mà họ biết về vụ việc và đối tượng thanh tra của vụ việc đó dưới dạng kể chuyện tự do. Những vấn đề nào chưa rõ thì yêu cầu người làm chứng giải thích. Sau khi đã nhận được những thông tin từ lời khai của người làm chứng, Thanh tra viên lựa chọn những thông tin cần thiết cho việc thanh tra lựa chọn những thông tin cần thiết cho nội dung cần thanh tra để ghi vào biên bản. Đối với những câu hỏi và câu trả lời có tính chất đấu tranh vạch mâu thuẫn, xác định thái độ khai báo không tốt của người làm chứng hoặc những câu hỏi và câu trả lời có liên quan đến việc đưa cho người làm chứng xem tài liệu, vật chứng… thì cần được ghi rõ ràng, riêng biệt.
Nếu vấn đề mà người làm chứng khai báo có tính chất phức tạp thì nên viết nháp để ghi nhận kịp thời mọi thông tin do người làm chứng cung cấp. Sau đó sử dụng bản nháp vào việc lập biên bản lấy lời khai người làm chứng dưới dạng câu chuyện có quan hệ hỏi – đáp. Khi ghép lại lời khai, Thanh tra viên có thể hỏi lại người làm chứng về những vấn đề riêng lẻ nào đó để ghi cho chính xác hơn.
Mẫu biên bản lấy lời khai người làm chứng như sau:
TÊN ĐƠN VỊ | Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam | |
THANH TRA… | Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ___________ | |
Địa danh…, ngày tháng năm |
BIÊN BẢN GHI LỜI KHAI NGƯỜI LÀM CHỨNG
Hôm nay ngày tháng năm hồi giờ phút
Tại địa điểm:
Chúng tôi gồm:
1)…
2)…
…
Là thành viên trong Đoàn thanh tra theo quyết định số ngày tháng năm của
Đã tiến hành lấy lời khai của người làm chứng:
Họ và tên:
Ngày sinh: ngày tháng năm
Nơi sinh:
Nơi ở:
Giấy chứng minh thư số cấp ngày tháng năm tại công an …
NỘI DUNG LỜI KHAI NHƯ SAU:
…………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………
Biên bản được lập thành 02 bản có giá trị giống nhau, 01 bản do Đoàn Thanh tra giữ, 01 bản do người làm chứng giữ (nếu có yêu cầu), mỗi bản gồm…trang, có ký xác nhận ở từng trang và kết thúc hồi giờ cùng ngày, các bên đã đọc kỹ lại và cùng ký tên xác nhận dưới đây./.
NGƯỜI LÀM CHỨNG CÁN BỘ LẤY LỜI KHAI
(ký và ghi rõ họ tên) (ký và ghi rõ họ tên)
– Bốn điều cần chú ý khi lập biên bản ghi lời khai người làm chứng:
- Biên bản phải chính xác, cụ thể trung thực.
- Người lập biên bản không được trình bày vấn đề, nhận xét, đánh giá, kết luận theo chủ quan của mình trong quá trình thanh tra.
- Biên bản phải được phản ánh có trọng tâm, trọng điểm.
- Biên bản phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục pháp lý.
Khi lập biên bản lấy lời khai người làm chứng cần tránh lối ghi cẩu thả, ghi miên man, dài dòng, chữ viết phải rõ ràng, dễ đọc, không tẩy xoá, phải dùng từ phổ thông, dễ hiểu, trong sáng, rõ nghĩa. Nếu có từ ngữ nước ngoài phải ghi theo phiên âm tiếng Việt và giải thích rõ nghĩa.
3. Một số kỹ thuật lấy lời khai người làm chứng
Để lấy lời khai đầy đủ, chính xác và khách quan từ người làm chứng, Thanh tra viên cần áp dụng một số kỹ thuật sau đây khi tiến hành lấy lời khai của họ.
a. Sử dụng những mâu thuẫn trong lời khai của người làm chứng để đấu tranh với thái độ khai báo không trung thực của người làm chứng.
Đây là kỹ thuật mà Thanh tra viên chủ động chỉ ra những mâu thuẫn xuất hiện trong lời khai của người làm chứng nhằm đấu tranh với thái độ không trung thực hoặc không khách quan, thiếu thiện chí của họ.
Để thực hiện kỹ thuật đạt hiệu quả Thanh tra viên phải hỏi thật sâu, thật kỹ vào từng tình tiết, thời gian cụ thể của sự việc để họ trình bày. Có thể hỏi nhiều lần về cùng một vấn đề và trong những khoảng thời gian khác nhau để phát hiện mâu thuẫn. Nếu xét thấy cần thiết Thanh tra viên yêu cầu người làm chứng ký xác nhận dưới mỗi câu trả lời, để khi phát hiện mâu thuẫn và đấu tranh với thái độ khai báo không đúng thì họ không thể chối cãi được.
Việc chỉ ra cho người làm chứng những mâu thuẫn phát hiện được trong lời khai của họ thường gây cho họ một tác động mạnh về tâm lý, buộc người làm chứng phải có sự đấu tranh trong tư tưởng và thấy rằng khó có thể che giấu được cán bộ thanh tra. Từ đó, ý định khai báo thật xuất hiện trong tư tưởng của người làm chứng.
Trong những trường hợp đó, đầu tiên Thanh tra viên nên đưa ra những câu hỏi về mâu thuẫn ít đụng chạm đến quyền lợi của người làm chứng. Sau đó mới dần dần chuyển sang giải quyết những mâu thuẫn nghiêm trọng hơn, có ý nghĩa xác định rõ sự thật của vấn đề cần làm rõ, kết hợp với cách giải thích, thuyết phục và động viên người làm chứng trình bày lại.
b. Sử dụng chứng cứ để vạch rõ mâu thuẫn buộc người làm chứng phải khai báo đúng sự thật
Khi thấy lời khai của người làm chứng mâu thuẫn với chứng cứ, Thanh tra viên nên đặt câu hỏi về vấn đề đó để người làm chứng trả lời củng cố một lần nữa nội dung lời khai của họ. Nếu người làm chứng vẫn khẳng định nội dung lời khai đó là đúng thì Thanh tra viên đưa ra những chứng cứ cần thiết và yêu cầu họ giải thích sự mâu thuẫn đó.
Việc sử dụng chứng cứ để vạch rõ mâu thuẫn cũng gây một tác động tâm lý tương đối mạnh để ngăn chặn người làm chứng khai dối. Vì vậy, khi sử dụng chứng cứ để đấu tranh cần chú ý đến việc đặt câu hỏi, sao cho các câu hỏi đặt ra trong một trình tự logic mà mang tính “trói buộc” được người làm chứng, đưa người làm chứng đến câu trả lời cuối cùng.
Thanh tra viên cần kết hợp chặt chẽ giữa thuyết phục, giáo dục tư tưởng với việc vạch rõ sai trái của người làm chứng, làm cho họ không thể giấu giếm được, mà phải tôn trọng sự thật. Trường hợp cần thiết, có thể đưa họ ra đối chất với những người làm chứng khác hoặc đối chất với đối tượng thanh tra.
c. Tác động tâm lý trực tiếp đối với người làm chứng nhằm giúp họ nhớ lại những sự việc, hiện tượng đã cảm giác, tri giác được bị lãng quên và khắc phục những thiếu sót chủ quan khi trình bày
Trong thực tiễn khi người làm chứng khai không đúng sự thật thì ngoài trường hợp cố ý, chúng ta còn thấy có người làm chứng do trí nhớ của họ kém, do sự việc xảy ta quá lâu ngày hoặc họ biết việc đó không đến nơi đến chốn hoặc khả năng trình bày một vấn đề nào đó bị hạn chế mà ảnh hưởng đến độ chính xác của người làm chứng. Vì vậy, để việc lấy lời khai của người làm chứng trong trường hợp này đạt kết quả, Thanh tra viên cần áp dụng kỹ thuật tác động tâm lý trực tiếp đối với người làm chứng nhằm giúp họ nhớ lại nhứng sự việc, hiện tượng đã cảm giác, tri giác được bị lãng quên hoặc khắc phục những thiếu sót chủ quan khi trình bày.
Trước hết Thanh tra viên phải bình tĩnh, không vội vàng yêu cầu người làm chứng trình bày ngay vào sự việc, cần hướng dẫn người làm chứng bình tĩnh, suy nghĩ và hồi tưởng lại những vấn đề đã xảy ra trước sự kiện cần thanh tra về mặt thời gian. Có khi để nhớ lại được khi sự kiện nào xảy ra vào buổi chiều hoặc buổi trưa thì người làm chứng lại phải suy nghĩ và nhớ lại những sự kiện xảy ra vào buổi sáng. Nếu người làm chứng quên những chi tiết quan trọng, chủ chốt của một sự kiện, một hoàn cảnh nào đó, Thanh tra viên nên động viên người làm chứng trình bày thật nhiều vấn đề, chi tiết có liên quan đến sự kiện mà người làm chứng quên. Thanh tra viên có thể nêu một chi tiết nào đó đã được xác định là có liên quan đến sự kiện cần nhớ lại vào trong câu hỏi để người làm chứng trả lời, hoặc đưa ra những vật chứng, ảnh nơi xảy ra sự kiện (nếu có) mà người làm chứng đã cảm giác, tri giác. Nếu xét thấy cần thiết có thể đưa người làm chứng đến địa điểm xảy ra sự kiện. Chính quang cảnh, cấu trúc địa điểm đó có thể giúp cho người làm chứng khôi phục lại trong trí nhớ trình tự diễn biến của sự kiện và các chi tiết của nó đã xảy ra mà họ đã cảm giác, tri giác được.
Nếu vấn đề mà người làm chứng quên là tên một cơ quan, một cá nhân hoặc một địa danh nào đó… thì cần đưa cho người làm chứng một danh sách liệt kê những vấn đề đó để họ dựa vào mà nhớ lại cái đã bị lãng quên.
Trường hợp người làm chứng khó khăn trong việc trình bày suy nghĩ, nhận thức của mình và khó khăn trong việc kể lại sự kiện cần làm rõ thì Thanh tra viên cần nêu những câu hỏi cụ thể, ngắn gọn và rõ ràng hơn; kiên nhẫn lắng nghe những câu trả lời, hướng lời khai của họ vào trạng thái tâm lý bình tĩnh.
Khi áp dụng kỹ thuật này Thanh tra viên cần chú ý luôn luôn đưa người làm chứng vào trạng thái tâm lý bình tĩnh, thoải mái.
Những vấn đề cần chú ý khi giải quyết một số trường hợp cụ thể:
+ Đối với trường hợp người làm chứng cố tình không khai đúng sự thật.
Nói chung, người làm chứng cố tình khai không đúng sự thật Thanh tra viên không vội tỏ phản ứng ngay mà phải thận trọng tìm rõ nguyên nhân.
Việc phát hiện và khắc phục những nguyên nhân thúc đẩy người làm chứng khai không đúng sự thật là vấn đề rất quan trọng. Nguyên nhân khai không đúng sự thật ở người làm chứng có thể là do sợ trả thù, có ác cảm với đối tượng thanh tra hoặc ngược lại do muốn giữ quan hệ tốt với những người đó; do lợi ích cá nhân khác; do người làm chứng muốn che giấu có liên quan đến hành vi sai phạm hoặc che giấu hành vi vi phạm đạo đức xã hội nào đó của chính bản thân mình. Cũng có trường hợp người làm chứng sợ trách nhiệm hoặc tư tưởng, quan điểm trái với tư tưởng quan điểm của Đảng, Pháp luật của Nhà nước… mà dẫn đến việc khai không đúng sự thật.
Ứng với nguyên nhân khai dối với tuỳ từng trường hợp cụ thể, Thanh tra viên có thể đề ra những biện pháp khắc phục tương ứng. Chẳng hạn Thanh tra viên giải thích ý nghĩa của lời khai thật của người làm chứng đối với việc thanh tra làm rõ vụ việc hoặc chỉ cho người làm chứng rõ việc né tránh khai thật sẽ có thể dẫn đến chỗ kẻ sai phạm vẫn không bị phát hiện, có điều kiện tiếp tục thực hiện các hành vi sai phạm. Như vậy người làm chứng có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo của mình.
Nếu người làm chứng vẫn cố tình khai báo không đúng sự thật, làm cản trở quá trình thanh tra, Thanh tra viên có thể áp dụng kỹ thuật sử dụng những mâu thuẫn trong lời khai của người làm chứng hoặc sử dụng chứng cứ để vạch rõ mâu thuẫn buộc người làm chứng phải khai báo đúng sự thật.
Phần đông người làm chứng không nói đúng sự thật thường là loại người làm chứng có liên quan hay có quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, thân thuộc với đối tượng thanh tra hoặc họ là những đối tượng thanh tra của vụ việc khác. Vì vậy Thanh tra viên cần phải vận dụng kỹ thuật lấy lời khai một cách linh hoạt, sáng tạo mới có thể lấy lời khai thật, đầy đủ, chính xác và khách quan ở người làm chứng đó.
+ Đối với những người làm chứng có quan hệ thân thuộc đối với đối tượng thanh tra.
Việc người làm chứng có quan hệ thân thuộc hoặc phụ thuộc với đối tượng thanh tra có ảnh hưởng đến sự khai báo của người làm chứng theo hai chiều ngược nhau. Thanh tra viên cần chú ý loại trừ yếu tố tiêu cực của mối quan hệ thân thuộc, phụ thuộc của người làm chứng với đối tượng thanh tra.
Thông thường những người làm chứng là bạn bè, người thân của đối tượng thanh tra có thể che giấu hoặc khai bớt xén, không đầy đủ hoặc làm giảm hành vi sai phạm cho đối tượng thanh tra…
Đối với người làm chứng loại này Thanh tra viên cần nhanh chóng tổ chức lấy lời khai của họ để ngăn chặn sự ảnh hưởng của mối quan hệ thân thuộc hoặc phụ thuộc đó đến lời khai của người làm chứng. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu, tính toán đến việc lợi dụng mối quan hệ thân hoặc phụ thuộc đó để tác động, thúc đẩy người làm chứng khai báo đúng sự thật
+ Đối với những người làm chứng có những khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần.
Những khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần của người làm chứng có thể làm ảnh hưởng xấu đến khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn về những tình tiết vụ việc. Đối với những khuyết tật về thể chất của người làm chứng, Thanh tra viên cần xem xét mức độ ảnh hưởng của những khuyết tật đối với lời khai của họ. Trong những trường hợp đó, trước hết phải kiểm tra các cơ quan thụ cảm như tai mắt… của người làm chứng, có thể mời cán bộ y tế giúp đỡ kiểm tra. Nếu xét thấy cần thiết thì tổ chức thực nghiệm thanh tra về khả năng quan sát, thụ cảm của họ. Trong trường hợp khuyết tật về thể chất không ảnh hưởng đến nhận thức của người làm chứng mà chỉ làm hạn chế khả năng trình bày, Thanh tra viên phải tạo mọi điều kiện giúp đỡ họ khắc phục để họ có thể trình bày đầy đủ nhận thức về các tình tiết của vụ việc mà họ đã ghi nhớ được. Ví dụ: Người làm chứng bị câm, ngọng thì có thể sử dụng phiên dịch hoặc cho viết tự khai.
Đối với loại người làm chứng này, Thanh tra viên phải hết sức kiên trì, tránh nôn nóng mà phải khắc phục mặc cảm về khuyết tật của họ.
Ngoài ra đối với người làm chứng là người nước ngoài, việc triệu tập họ cần phải căn cứ vào hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dân sự đã được ký kết giữa Việt Nam với nước mà họ là công dân; căn cứ vào quan hệ đối ngoại giữa hai nước.
Khi lấy lời khai người làm chứng là người nước ngoài, Thanh tra viên cần chú ý đến việc giải thích những điều luật của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam có liên quan đến việc lấy lời khai của họ. Nếu người nước ngoài không sử dụng được tiếng Việt thì phải có người phiên dịch.
4. Kiểm tra và sử dụng lời khai người làm chứng
4.1 Kiểm tra lời khai người làm chứng
Kiểm tra lời khai của người làm chứng nhằm mục đích đánh giá xem những vấn đề mà họ cung cấp có đúng sự thật hay không để sử dụng vào việc đấu tranh với đối tượng thanh tra, xác định càng chính xác bao nhiêu thì giá trị chứng cứ càng vững chắc bấy nhiêu.
Người làm chứng khai báo đến đâu, ta phải kiểm tra ngay những vấn đề cần thiết đó. Tránh tình trạng lấy khai của người làm chứng liên miên đến cuối cùng mới kiểm tra, xác minh. Sau mỗi lần kiểm tra tài liệu họ cung cấp, ta lại có kế hoạch và biện pháp lấy lời khai thêm.
Ngoài việc kiểm tra nội dung, còn phải kiểm tra cả về phương pháp lấy lời khai nữa. Vì nếu phương pháp lấy lời khai không khoa học, không khách quan thì lời khai của người làm chứng cũng sẽ không chính xác, không đầy đủ.
Ba biện pháp để kiểm tra lời khai của người làm chứng là:
- Đối chiếu lời khai trước với lời khai sau, lời khai của người làm chứng này với lời khai của người làm chứng khác;
- Đối chiếu lời khai của người làm chứng với các tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ thanh tra và với tình hình thực tế của vụ việc đã xảy ra mà ta đã biết qua các nguồn khác (vật chứng, giám định chuyên môn….);
- Dùng các biện pháp nhận dạng, giám định, thực nghiệm thanh tra, đối chất… để xác minh lời khai của người làm chứng khi cần thiết và có đủ điều kiện. Ngoài ra ta có thể áp dụng phương pháp kiểm tra lời khai tại chỗ; phương pháp khẳng định sự có mặt của người làm chứng trong thời gian xảy ra sự kiện; xác minh về nhân thân người làm chứng, dùng điện thoại, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tin học (thông tin qua mạng)… để kiểm tra lời khai của người làm chứng.
Các biện pháp trên đây bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà kiểm tra bằng biện pháp này hay biện pháp khác. Không phải lúc nào cũng sử dụng tất cả các biện pháp để kiểm tra. Thanh tra viên phải lấy sự kiện thực tế làm cơ sở để xác định đúng, sai, tránh vội tin ngay vào lời khai của người làm chứng hay kiểm tra một cách qua loa, đại khái.
4.2. Sử dụng lời khai người làm chứng
Ngoài ý nghĩa về mặt pháp lý, lời khai người làm chứng còn có thể là tài liệu nghiệp vụ dùng để đấu tranh với các đối tượng thanh tra.
Vì vậy, khi sử dụng lời khai người làm chứng cần phải tính toán, cân nhắc kỹ càng. Có hai trường hợp có thể xảy ra:
Trường hợp 1: Nếu lời khai người làm chứng không có đủ cơ sở để kết luận là chính xác thì chỉ được xem là một loại tài liệu khảo cứu thêm không được sử dụng làm chứng cứ thanh tra;
Trường hợp 2: Nếu lời khai người làm chứng được kết luận là chính xác, có giá trị chứng cứ thì sử dụng như các chứng cứ khác. Song cần tính đến đặc điểm của loại chứng cứ này, nó được coi như một chứng cứ sống.
Đặc biệt, đối với những lời khai có giá trị phát hiện đầu mối mới, âm mưu thủ đoạn mới của bọn tham nhũng, những cơ sở, thiếu sót trong việc phòng ngừa các vi phạm có thể xảy ra trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước… phải báo cáo cấp trên để kịp thời có biện pháp giải quyết.
Như vậy, chỉ được sử dụng lời khai người làm chứng sau khi đã được kiểm tra kết luận là chính xác. Khi sử dụng lời khai của người làm chứng, Thanh tra viên cần trao đổi, bàn bạc và tính toán đến việc bảo vệ người làm chứng đó, đề phòng bị trả thù, trù dập…
Trên đây là một trong những biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong công tác thanh tra, giúp các Thanh tra viên trong quá trình xác minh, thu thập, đánh giá, phân tích chứng cứ để kết luận đúng sai về nội dung cần thanh tra.
Cuối cùng, rất mong tiếp nhận những ý kiến phản hồi, trao đổi của đồng chí, đồng nghiệp để cùng nhau xây dựng nghiệp vụ cho Ngành ngày càng hoàn thiện hơn.