Tìm hiểu đặc điểm pháp luật về thanh tra có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về thanh tra ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Từ việc nghiên cứu hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, có thể nhận thấy pháp luật về thanh tra có một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất: Pháp luật về thanh tra được quy định trong nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước.
Ở nước ta, pháp luật thanh tra không chỉ được quy định trong Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật nhằm quy định chi tiết, hướng dẫn và triển khai thực hiện Luật Thanh tra mà còn được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh. Hiện nay ngoài Luật Thanh tra có khoảng gần 50 văn bản Luật, Pháp lệnh có những quy định liên quan đến thanh tra. Ví dụ: Luật Môi trường, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Xây dựng, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, các văn bản Luật, Pháp lệnh về thuế… Trong những văn bản pháp luật này đều có quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do quản lý nhà nước rất đa dạng và phức tạp, quản lý trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, văn hoá-xã hội; giáo dục, y tế; an ninh, quốc phòng… Thanh tra, kiểm tra là một chu trình của quản lý nhà nước, cho nên trong lĩnh vực nào cũng phải có hoạt động thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sự quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực, ngành đều có quy định về thanh tra, kiểm tra. Thực trạng này không chỉ làm cho hệ thống pháp luật về thanh tra khó có thể bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất mà còn làm giảm hiệu quả tác động của Luật Thanh tra trên thực tế và cũng dẫn đến những khó khăn trong việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra. Theo chúng tôi, đối với các văn bản pháp luật liên quan đến thanh tra cần được hoàn thiện trong một chỉnh thể thống nhất với Luật Thanh tra nhưng vẫn phải bảo đảm sự phù hợp với đặc thù quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực. Điều đó có nghĩa là cần xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra và các văn bản quy phạm pháp luật khác về thanh tra; xác định những vấn đề gì cần thiết do Luật Thanh tra điều chỉnh và những vấn đề gì không cần thiết phải điều chỉnh trong Luật Thanh tra mà có thể được quy định trong các văn bản pháp luật khác.
Ngoài ra, pháp luật về thanh tra do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, có số lượng lớn, hiệu lực pháp lý khác nhau, có phạm vi điều chỉnh rộng dẫn đến việc hiểu biết và áp dụng khó khăn, không tránh khỏi sự chồng chéo, mâu thuẫn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thanh tra.
Thứ hai: Pháp luật về thanh tra chịu sự tác động rất lớn của các văn bản pháp luật quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính.
Bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam phát triển qua bốn giai đoạn, tương ứng với bốn bản Hiến pháp có cách thức tổ chức khác nhau, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau phù hợp với từng giai đoạn đó. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì bộ máy hành chính nhà nước bao gồm: Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân như sở, phòng, ban. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của những cơ quan này được quy định trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Luật và văn bản dưới luật. Cơ quan thanh tra là loại cơ quan nằm trong bộ máy hành chính, cho nên tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra chịu sự tác động rất lớn của các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Sự tác động này thể hiện ở những mặt sau:
– Cơ quan thanh tra được xác định là cơ quan chuyên môn, là một bộ phận cấu thành của bộ máy hành chính, cho nên cơ cấu, tổ chức của các các cơ quan trong bộ máy hành chính thay đổi sẽ dẫn đến sự thay đổi về vị trí, cơ cấu, tổ chức của cơ quan thanh tra. Vì vậy, các văn bản pháp luật về thanh tra phải quy định tổ chức thanh tra phù hợp với các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính.
– Các cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Thông qua các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính mà cơ quan thanh tra xác định được đối tượng và nội dung thanh tra. Vì vậy, các văn bản pháp luật về thanh tra khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; đối tượng, nội dung thanh tra phải phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Sự tác động này bắt nguồn từ mối quan hệ giữa thanh tra và quản lý nhà nước. Bởi vì đối tượng thanh tra cũng là đối tượng quản lý, nội dung thanh tra phụ thuộc vào nội dung quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên đối tượng, nội dung thanh tra rộng hay hẹp phụ thuộc vào nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước.
Thứ ba: Pháp luật thanh tra mang tính chất tố tụng.
Thanh tra là chức năng của quản lý nhà nước, do vậy pháp luật thanh tra thuộc hệ thống pháp luật hành chính.
Pháp luật hành chính bao gồm toàn bộ các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, tức là những quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động chấp hành và điều hành của Nhà nước.
Do thanh tra là hoạt động mang tính chất tài phán, cho nên pháp luật về thanh tra tuy thuộc hệ thống pháp luật hành chính, nhưng lại rất khác với những văn bản pháp luật hành chính ở chỗ mang tính chất tố tụng. ở nước ta, pháp luật tố tụng(tố tụng hình sự, dân sự, hành chính) là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Tuy nhiên, tính chất tố tụng của pháp luật về thanh tra hoàn toàn khác với pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính ở chỗ nó không nhằm giải quyết một vụ án mà chỉ nhằm tiến hành một cuộc thanh tra chặt chẽ, đúng pháp luật để đạt mục đích thanh tra. Tính chất tố tụng của pháp luật về thanh tra thể hiện ở chỗ:
– Pháp luật về thanh tra xác định chặt chẽ chủ thể tiến hành thanh tra, tức là chủ thể có quyền xem xét, đánh giá, xử lý việc chấp hành chính sách, pháp luật của đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của những người tiến hành thanh tra như Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên và những biện pháp cưỡng chế có thể được áp dụng trong tiến trình thanh tra.
– Quy định thủ tục thanh tra hết sức chặt chẽ từ khâu ra quyết định thanh tra đến các bước thực hiện và nhiệm vụ của từng giai đoạn; quy định quyền áp dụng các biện pháp thẩm định, trưng cầu giám định, phúc tra; quyền ra kết luận thanh tra nêu rõ đúng, sai, có vi phạm hay không? Mức độ vi phạm và kiến nghị biện pháp xử lý.
Việc xác định pháp luật về thanh tra mang tính chất tố tụng thì phải có những quy định để bảo đảm tính độc lập của hoạt động thanh tra để phân biệt thanh tra với chính hoạt động quản lý nhà nước. Luật Thanh tra đã quy định các nguyên tắc để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và sự độc lập trong hoạt động thanh tra, các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, đặc điểm này không có trong hoạt động của thanh tra nhân dân, vì thế cần tách thanh tra nhân dân ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra.
Tóm lại: với những quy định hết sức chặt chẽ về thủ tục thanh tra, chúng ta thấy hoạt động thanh tra cũng được thực hiện theo từng giai đoạn, nhiệm vụ của chủ thể thanh tra trong từng giai đoạn và cũng được xác định cụ thể, quyền và nghĩa vụ của chủ thể tiến hành thanh tra và đối tượng thanh tra cũng được quy định rõ ràng. Việc làm rõ những đặc điểm trên là định hướng cho những giải pháp hoàn thiện pháp luật thanh tra ở nước ta trong giai đoạn hiện nay./.
Nguồn: giri.ac.vn