Ths. Nguyễn Minh Tuấn
Khoa Nhà nước và pháp luật
Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, sự xuất hiện nhà nước dân chủ nhân dân mới đã mở đầu cho việc hình thành chế độ công chức mới. Hiến pháp 1946 ra đời làm cơ sở cho việc hình thành các văn bản quy phạm pháp luật về công chức. Trên cơ sở đó Sắc lệnh 188/SL ngày 9/5/1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được ban hành quy định về chế độ công chức mới với một thang lương chung cho các ngạch và các hạng công chức Việt Nam phù hợp với chính thể dân chủ cộng hòa.
Trong thời kỳ thực hiện kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bộ máy nhà nước đã dần ổn định và hoạt động hiệu quả. Từ đó nhu cầu tuyển dụng công chức làm việc trong bộ máy ngày càng tăng. Trước tình hình đó, Sắc lệnh 188/SL đã không còn phù hợp với thực tế. Vì vậy, ngày 22 tháng 5 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 76/SL ban hành quy chế công chức nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sắc lệnh 76/SL gồm 7 chương, 92 điều đã điều chỉnh những nội dung cơ bản về công chức bao gồm:
– Định nghĩa công chức;
– Nghĩa vụ, quyền lợi công chức;
– Tổ chức, quản trị và sử dụng công chức;
– Tuyển dụng công chức;
– Khen thưởng, thăng thưởng công chức;
– Kỷ luật công chức;
– Quy định việc nghỉ việc đối với công chức;
– Ra khỏi ngạch công chức.
Sắc lệnh 76 đã dành 1 chương quy định về tuyển dụng công chức. Đây là một văn bản pháp luật về công chức mang tính khoa học, dân chủ, có hiệu lực cao và nội dung hoàn chỉnh, có nhiều quy định mang tính tiến bộ so với một số nước trên thế giới cùng thời kỳ. Chỉ tiếc rằng do hoàn cảnh kháng chiến nên việc tuyển dụng công chức theo Quy chế này đã không được triển khai đầy đủ. Năm 1951, Bộ Nội vụ đã tổ chức được một kỳ thi tuyển ngạch cán sự. Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Nghị định 97/NV-2 ngày 14/3/1950 về quy chế cho kỳ thi tuyển ngạch cán sự hành chính, Nghị định 98/NV-2 ngày 14/3/1950 quy định về quy chế cho kỳ thi tuyển ngạch tham sự hành chính.
Nội dung điều chỉnh pháp luật về tuyển dụng công chức trong giai đoạn này thể hiện ở một số điểm sau đây:
1. Quan niệm công chức
Xác định quan công chức có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức. Do vậy trước khi tìm hiểu quy định pháp luật giai đoạn này về tuyển dụng công chức cần làm sáng tỏ quan niệm về công chức qua các văn bản quy phạm pháp luật thời kỳ này.
Quan niệm về công chức đã được xác định lần đầu tiên trong tại Sắc lệnh 76/SL năm 1950. Lời nói đầu của Sắc lệnh 76 đã quan niệm công chức là “những công dân giữ một nhiệm vụ trong bộ máy Nhà nước của chính quyền nhân dân, dưới sự lãnh đạo tối cao của Chính phủ”. Điều 1 Sắc lệnh 76 đã đưa ra định nghĩa về công chức như sau: “Những công dân Việt Nam được chính quyền nhân dân tuyển để giữ một chức vụ thường xuyên trong các cơ quan Chính phủ, ở trong hay ở ngoài nước, đều là công chức theo Quy chế này, trừ những trường hợp riêng biệt do Chính phủ định”. Với cách hiểu như vậy thì công chức được xác định chủ yếu dựa vào yếu tố: giữ một nhiệm vụ nhất định trong cơ quan của Chính phủ.
Căn cứ vào quy định tại Sắc lệnh 188/SL năm 1948 và Sắc lệnh 76/SL năm 1950 có thể nhận thấy thời kỳ này chủ yếu phân loại công chức theo ngạch và trật. Điều 6 Sắc lệnh 76 quy định: Các ngạch công chức đều theo một thang lương chung gồm 30 bậc. Mỗi ngạch chia ra nhiều trật. Những trật liền nhau trong một ngạch phải đối chiếu với những bậc liền nhau trong thang lương chung.
Về tổ chức các ngạch công chức, theo Điều 3 Sắc lệnh 188/SL năm 1948 thì các ngạch công chức bao gồm:
– Hạng A: Ngạch Tá sự: lương có 10 bậc, từ bậc 1 đến bậc 10
Trình độ: tiểu học hoặc năng lực tương đương.
Những người này đã tốt nghiệp Tiểu học cơ bản hay một lớp công nghệ thực hành hoặc có năng lực tương đương, sẽ bắt đầu ở bậc 5
– Hạng B: Ngạch Cán sự: lương có 12 bậc, từ bậc 5 đến bậc 16.
Trình độ: trung học phổ thông hoặc năng lực tương đương.
Những người có băng trung học phổ thông hay tốt nghiệp một trường thực nghiệp (niên hạn học: 5 hay 4 năm) hoặc năng lực tương đương sẽ bắt đầu từ bậc 7.
Bậc 5 sẽ là bậc bắt đầu của những người đã học 2 năm trung học phổ thông hay thực nghiệp, hoặc năng lực tương đương.
– Hạng C: Ngạch Tham sự: lương có 10 bậc, từ bậc 10 đến bậc 19.
Trình độ: trung học cao cấp, hoặc năng lực tương đương.
Những người có bằng trung học cao cấp hoặc văn bằng hoặc năng lực tương đương sẽ bắt đầu ở bậc 10.
– Hạng D: Ngạch Kiêm sự: lương có 10 bậc, từ bậc 13 đến bậc 22.
Trình độ: cử nhân hoặc năng lực tương đương.
Những người có bằng cử nhân luật hoặc năng lực tương đương sẽ bắt đầu ở bậc 13.
– Hạng E: Ngạch Giám sự: lương có 10 bậc, từ bậc 16 đến bậc 25.
Trình độ: tiến sĩ, bác sĩ hoặc năng lực tương đương.
Những người có bằng luật khoa tiến sĩ, y khoa bác sĩ, hay những văn bằng tương đương, hoặc năng lực tương đương, sẽ bắt đầu từ bậc 16.
Những người có bằng y khoa thạc sĩ, luật khoa thạc sĩ hay kỹ sư cấp cao đã qua trường Bách khoa, và một trường Cao học sẽ bắt đầu ở bậc 19.
Như vậy, có thể thấy rằng ngay từ thời kỳ này công chức đã được phân loại theo ngạch, trật để phân biệt công chức về trình độ được đào tạo, thâm niên công tác, tạo động lực phấn đấu trong hoạt động công vụ của công chức trên con đường chức nghiệp, làm cơ sở cho việc tuyển dụng công chức.
2. Điều kiện tuyển dụng
Theo Điều 14, 15 Sắc lệnh 76/SL thì việc tuyển dụng công chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước phụ thuộc vào 2 điều kiện:
– Điều kiện năng lực: Việc tuyển bổ công chức chỉ căn cứ vào năng lực (thành tích kinh nghiệm, trình độ văn hóa) (Điều 14 Sắc lệnh 76/SL)
– Điều kiện khác: ngoài điều kiện năng lực; những người muốn được tuyển vào một ngạch công chức phải đủ những điều kiện dưới đây (điều 15 Sắc lệnh 76/SL): Có quốc tịch Việt Nam; Đủ 18 tuổi (đối với một vài ngạch đặc biệt, quy tắc có thể ấn định một hạn tuổi cao hơn); Hạnh kiểm tốt; Có quyền công dân; Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của một y sĩ công.
3. Hình thức tuyển dụng
Điều 14 Sắc lệnh 76 đã quy định việc tuyển bổ công chức chỉ căn cứ vào năng lực (thành tích, kinh nghiệm, trình độ văn hóa) xét theo ba cách sau:
– Qua kỳ thi
Tùy nhu cầu công việc, cấp quản trị công chức sẽ mở những kỳ thi tuyển dụng nhân viên. Kỳ thi được công bố trước ngày thi ít nhất 2 tháng. Thể lệ và chương trình thi vào mỗi ngạch sẽ do nghị định Bộ sở quản ấn định, sau khi thỏa thuận với Bộ Quốc gia Giáo dục và Bộ Nội vụ (Điều 17 Sắc lệnh 76/SL). Những người trúng tuyển sẽ được bổ dụng theo thứ tự trên dưới (Điều 18 Sắc lệnh 76/SL)
– Theo học bạ hay văn bằng:
Việc tuyển bổ theo học bạ hay văn bằng sẽ do quy tắc các ngạch ấn định (Điều 19 Sắc lệnh 76/SL). Căn cứ vào yêu cầu trình độ của mỗi ngạch thì cơ quan tuyển dụng có thể tuyển dụng công chức trên cơ sở đánh giá trình độ học vấn căn cứ vào văn bằng, học bạ.
– Theo đề nghị của Hội đồng tuyển trạch:
Những người có thành tích, kinh nghiệm có thể được bổ vào một ngạch, trật thích đáng, theo đề nghị của một Hội đồng tuyển trạch.
Hội đồng tuyển trạch sẽ do quy tắc các ngạch đặt. Khi xét việc tuyển bổ vào những ngạch mà các Bộ không ủy quyền quản trị cho Ủy ban kháng chiến hành chính Kỳ hay Liên khu, thành phần Hội đồng phải có một đại biểu Bộ Nội vụ (Điều 20 Sắc lệnh 76/SL).
Trước khi đưa ra Hội đồng tuyển trạch, cơ quan quản trị có thể tuyển tạm công chức để xét năng lực trong một thời hạn không quá sáu tháng (Điều 21)
– Hình thức tuyển dụng nhân viên theo hợp đồng làm việc:
Theo quy định tại điều 20 Sắc lệnh 76/SL thì ngoài những công chức chính ngạch tuyên bố theo những thể lệ kể trên, các cơ quan, tùy nhu cầu công việc, có thể tuyển một số nhân viên theo hợp đồng trong những trường hợp sau đây:
– Đương sự không muốn vào chính ngạch;
– Để làm những công việc có tính chất tạm thời.
Tất nhiên những đối tượng này không được coi là công chức mà chỉ là nhân viên hợp đồng làm việc trong cơ quan nhà nước. Tuy nhiên đây là quy định tạo thêm quyền tự chủ cho cơ quan nhà nước trong việc tuyển dụng, sử dụng lao động, tạo quyền chủ động cho cơ quan, đơn vị, tránh tình trạng quá lệ thuộc vào việc cấp phát biên chế từ ngân sách nhà nước.
4. Ưu tiên trong tuyển dụng
Theo Điều 16 Sắc lệnh 76/SL thì đồng bào thiểu số, cựu binh thương binh, quân nhân có chiến công, sẽ được ưu đãi trong việc tuyển dụng. Quyền lợi đặc biệt này sẽ quy định riêng.
Như vậy ngay từ Sắc lệnh 76/SL việc ưu tiên trong tuyển dụng công chức đã được đặt ra dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, các cựu binh và quân nhân trong chiến tranh. Quy định ưu tiên này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với đối với các đối tượng có công với đất nước và đồng bào dân tộc thiểu số, đã đảm bảo chính sách xã hội trong thời kỳ đó.
5. Quy trình tuyển dụng
– Nhận chức:
Trong hạn 15 ngày, sau khi tiếp được lệnh, công chức phải đi nhận việc, trừ khi có lý do chính đáng.
Công chức mới bổ được hưởng lương kể từ ngày lên đường đi nhận việc (Điều 23 Sắc lệnh 76)
– Tập sự:
Công chức mới được bổ vào một ngạch, bất cứ ở trật nào, đều phải qua một thời kỳ tập sự, trừ những người được thăng bổ lên ngạch trên.
Thời kỳ tập sự ít nhất là một năm và có thể ra hạn hai lần, mỗi lần 6 tháng (Điều 24 Sắc lệnh 76)
Đối với những công chức tuyển tạm sau được vào ngạch, thời gian làm việc tạm có thể tính vào hạn tập sự, nếu công chức vẫn phụ trách công việc của ngành đó (Điều 25 Sắc lệnh 76)
– Thực thụ, gia hạn tập sự, bãi chức:
Công chức hết hạn tập sự sẽ được thực thụ, gia hạn tập sự hay bị bãi chức (Điều 26 Sắc lệnh 76).
Quy tắc có thể bắt buộc công chức tập sự qua một kỳ thi thực thụ. Nếu không trúng tuyển sẽ phải ra hạn tập sự hay bãi chức (Điều 27 Sắc lệnh 76).
Công chức tập sự có thể bị bãi chức bất cứ lúc nào vì hạnh kiểm xấu, bất lực, lỗi về kỷ luật hay về hình phạt (Điều 28 Sắc lệnh 76)
Việc cho thực thụ, gia hạn, tập sự, bãi chức sẽ do cấp quản trị quyết định theo đề nghị của một Hội đồng gồm có (Điều 29 Sắc lệnh 76):
– Người đại diện cấp quản trị: chủ tọa;
– Một công chức cùng ngạch ở một trật cao hơn đương sự do cấp quản trị chỉ định: hội viên;
– Một đại biểu công chức do đoàn thể công chức đề cử: hội viên;
Công chức được thực thụ sẽ xếp lên trật liền trên và được hưởng lương theo trật mới kể từ ngày hết hạn tập sự (Điều 30 Sắc lệnh 76)
Nhận xét:
Như vậy có thể thấy rằng mặc dù thời kỳ này đất nước đang trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc chống thực dân Pháp xâm lược nhưng các quy định pháp luật về tuyển dụng công chức có rất nhiều điểm tiến bộ như:
– Đề cao yếu tố năng lực trong tuyển dụng
– Hình thức tuyển dụng công chức đa dạng, linh hoạt: chú trọng việc tuyển dụng công chức qua thi tuyển, cho phép tuyển dụng công chức tạm thời bằng hợp đồng;
– Công chức sau thời gian tập sự vẫn có thể phải trái qua kỳ thi, nếu không trúng tuyển thì có thể gia hạn tập sự hoặc bãi chức. Như vậy sau khi được tuyển dụng công chức vẫn phải trải qua quá trình tập làm công việc sẽ thực hiện trong tương lai và thi để vào ngạch chính thức.
Bên cạnh những ưu điểm trên Sắc lệnh 76/SL vẫn còn tồn tại một sốt nhược điểm như: nội dung, trình tự, thủ tục thi tuyển còn chưa cụ thể; chưa quy định rõ điều kiện tuyển dụng đối với cơ quan nhà nước khi tuyển dụng công chức. Hơn nữa theo quy định tại sắc lệnh thì chưa có sự phân biệt trong tuyển dụng giữa công chức làm việc trong bộ máy hành chính với bác sĩ, giáo viên… làm trong các đơn vị sự nghiệp của Chính phủ (các trường đại học, viện nghiên cứu…)
Việc tuyển dụng công chức theo Quy chế công chức đã đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chế độ công chức, thể hiện tính chính quy trong việc xây dựng nền công vụ của nhà nước dân chủ nhân dân mới, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.