Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen là một quốc gia đơn nhất mặc dù bao gồm 4 vùng lãnh thổ (Anh, Scotland, Wales và Bắc Ailen). Điều này cũng có nghĩa quyền lực tối cao thuộc về Nghị viện Vương quốc Anh.
Khi đề cập đến hệ thống chính quyền địa phương thường được phân tích theo ba yếu tố sau:
- Thể chế: hay hình thức của chính quyền địa phương, là yếu tố được quan tâm nhiều nhất vì mức độ quan trọng của nó trong đời sống của cộng đồng dân cư;
- Chức năng: yếu tố này bao gồm các chức năng và quyền hạn mà chính quyền cấp cơ sở được ủy nhiệm thi hành, trong đó quá trình ngân sách là trung tâm điểm và là cơ sở của nghiên cứu về yếu tố này;
- Các quá trình chính trị: Yếu tố này đề cập đến sự tham gia chính trị của nhân dân, cũng như của các nhóm, tổ chức chính trị cấp cơ sở, mà hình thức căn bản chính là bầu cử hoặc các cuộc thăm dò ý kiến.
Các chính quyền địa phương ở Anh hàng năm chi tiêu khoảng 1/4 tổng số chi tiêu công của nhà nước, mục đích chi tiêu nhằm vào cung cấp các dịch vụ công cộng cũng như để đảm bảo các chức năng quản lí nhà nước khác.
Nét nổi bật của nền chính trị địa phương trong những năm gần đây là người dân Anh ngày càng ít quan tâm đến chính quyền địa phương.
Điều đấy thể hiện trong các cuộc bầu cử địa phương chỉ có chưa tới 40% số cử tri đi bầu.
Nhiều người dân cũng không nắm rõ các chức năng và các dịch vụ công cộng của chính quyền địa phương.
Theo các nhà nghiên cứu của Anh, trong 20 năm trở lại đây, chính quyền địa phương tại Anh đã thay đổi rất nhiều và ngày càng yếu đi xét trên cả hai phương diện quyền lực cũng như trách nhiệm.
Hai vấn đề chính liên quan đến chính quyền địa phương của Vương quốc Anh là nền dân chủ địa phương và sự phân quyền giữa nhà nước trung ương và địa phương.
Hiện nay, chính quyền địa phương của nước Anh hoạt động theo Đạo luật về Chính quyền địa phương (Local Gornment Act) ban hành năm 1972 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 1974.
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương còn được quy định tại nhiều bộ luật bổ sung khác như: Luật về Kế hoạch và Đất đai của chính quyền địa phương, Luật về Tài chính của chính quyền địa phương, Luật về Thuế bất động sản…
Trách nhiệm, chức năng, quyền hạn của chính quyền địa phương cũng là lĩnh vực đấu tranh chính trị giữa các đảng cầm quyền và vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào việc đảng nào chiếm đa số tại hạ viện.
Thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực này là từ sau năm 1979 dưới thời Chính phủ Thatcher (Đảng Bảo thủ).
Một số thay đổi chính về khuôn khổ luật pháp quy định hoạt động của chính quyền địa phương:
Về cơ cấu tổ chức: Chính quyền địa phương ở Anh bao gồm 3 cấp: Tỉnh (county); quận, huyện (district, brough); xã (parish).
Hệ thống tổ chức hiện nay được định hình tương đối nhất quán ngay từ giữa thế kỷ 19. Mặc dù cũng có một số thay đổi quan trọng, đặc biệt trong thời gian năm 1986 (dưới thời chính quyền Thatcher) đã giải tán chính quyền cấp thành phố, chuyển giao quyền lực cho chính quyền cấp quận.
Như vậy, hiện tại xét theo cấp hành chính nước Anh có 39 tỉnh, 296 huyện và gần 1.000 xã. Khu vực đô thị có 66 quận, trong đó riêng khu vực Luân Đôn (London Metropolitan Area) chiếm 32 quận.
Các quận nội thành có quy chế hoạt động riêng và 32 quận này không có cấp xã. 34 quận còn lại bao gồm cả cấp xã.
Tại mỗi cấp này đều có hội đồng dân cử, nhiệm kỳ là 4 năm theo phương thức bầu trọn gói vào ngày thứ năm đầu tiên của tháng 5. Tất cả các công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền đi bầu cử.
Điều kiện để trở thành ứng cử viên vào hội đồng địa phương bao gồm:
- Từ 21 tuổi trở lên
- Sinh sống tại địa phương từ 12 tháng trở lên và ít nhất được 10 cử tri giới thiệu.
Các Ủy viên hội đồng không được nhận lương, chỉ có các trợ cấp cho các hoạt động như: hội họp, công tác…
Hoạt động xã hội không lương là truyền thống quan trọng của nước Anh, đặc biệt là ở cấp địa phương cơ sở.
Thông thường hội đồng địa phương sẽ thành lập các bộ phận chức năng quản lí nhà nước và thuê các viên chức chuyên nghiệp. Các bộ phận này do các ủy viên hội đồng điều hành.
Như vậy, khác với các nghị sĩ cấp trung ương, các ủy viên hội đồng đồng thời cũng tham gia hành pháp và thường là họ có mối quan hệ công tác rất gắn bó với các viên chức trong các bộ phận quản lí nhà nước.
Người đứng đầu các hội đồng địa phương, cũng như tại nghị viện, là thủ lĩnh của đảng chiếm đa số.
So với mô hình thị trưởng ở Mỹ, họ có thể không có được sự ủy nhiệm trực tiếp (qua bầu cử) của dân chúng và vì vậy vai trò cá nhân cũng không được đề cao, sự lãnh đạo của họ mang tính tập thể cao hơn.
Chức năng của chính quyền địa phương: Chức năng của chính quyền địa phương bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố quan trọng là quan điểm chính trị, và các yếu tố kinh tế, xã hội và công nghệ kỹ thuật.
Việc xác định chức năng của chính quyền địa phương phải giải quyết được hai mâu thuẫn:
- Về mặt hiệu quả quản lí và cung cấp dịch vụ công cộng: ngoài việc phải đảm bảo sự thống nhất và nhất quán trong toàn quốc, sự quản lí và cung cấp dịch vụ rõ ràng thì chính quyền địa phương cũng phải đáp ứng được các nhu cầu của địa phương và thích ứng với các điều kiện đặc thù của địa phương đó. Đây có thể xem như là sự mâu thuẫn giữa sự tuân thủ với trung ương và sự mềm dẻo linh hoạt của chính quyền địa phương. Sự phân quyền cho các cấp như vậy chính là để giải quyết mâu thuẫn này. Rất khó xác định ranh giới của sự phân quyền tối ưu, vì sự phân cấp này phụ thuộc vào quan điểm chính trị. Với sự phát triển của kinh tế, điều kiện cơ sở hạ tầng, các công nghệ kỹ thuật hiện đại, nội dung của sự phân quyền tất nhiên sẽ phải thay đổi theo, một phần quan trọng vì các địa phương ngày càng giống nhau về mọi mặt.
- Về mặt tham gia chính trị của dân chúng: đó chính là mâu thuẫn vốn có của nền dân chủ đại diện (giữa dân chủ và đại diện). Như vậy, sự phân quyền cùng với nó là ý nghĩa của sự tham gia chính trị của người dân, chính quyền địa phương phải đảm bảo được vai trò là cầu nối giữa người dân và chính phủ trung ương.
Các chức năng cơ bản của chính quyền địa phương ở Anh:
Về tài chính: Mặc dù chi tiêu của chính quyền địa phương là nhỏ, nhưng do số lượng của chúng, sự chi tiêu này luôn là trung tâm điểm của nhiều điều chỉnh từ phía trung ương.
Chính quyền địa phương ở Anh chiếm khoảng 25% tổng số chi tiêu công cộng và bao gồm khoảng 10% lực lượng lao động (khoảng 3 triệu viên chức), cung cấp giáo dục tiểu học và trung học cho hơn 90% trẻ em, quản lí khoảng ¼ quĩ nhà cửa của toàn quốc.
Hai nguồn thu chính của chính quyền địa phương là: khoản trợ cấp từ ngân sách trung ương và thu từ thuế, lệ phí . Trong đó khoản trợ cấp từ trung ương luôn đóng vai trò quan trọng, đã có thời điểm chiếm tới 65% ngân sách địa phương.
Hiện nay, nguồn này chỉ còn chiếm khoảng 40% do các cải cách đã được tiến hành đối với chính quyền địa phương. Các khoản thu từ thuế và lệ phí cũng đã bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền trung ương.
Chính quyền địa phương ở Anh hiện nay đang được kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền trung ương. Nghị viện Anh có thể bãi bỏ hoặc phân thêm quyền cho chính quyền địa phương.
Cả hai đảng chính ở Anh nói chung đều nhất trí về khuynh hướng kiểm soát này nhằm đảm bảo sự nhất quán trong các chuẩn mực về cung cấp dịch vụ xã hội (đặc biệt là trong giáo dục và nhà ở).
Hơn nữa, do sự phát triển của kinh tế xã hội sẽ làm cho sự tương đồng giữa các địa phương (về các đặc điểm đời sống xã hội) ngày càng lớn cũng sẽ là một tác động không nhỏ để củng cố cho khuynh hướng trên.
ThS. Đỗ Thị Thu Hằng – Viện KHTCNN