Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cụ thể 12 hành vi tham nhũng bao gồm:
1. Tham ô tài sản;
2. Nhận hối lộ;
3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi;
7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi;
10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Hiện nay, khái niệm tố cáo hành vi tham nhũng về cơ bản bám sát khái niệm tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và khái niệm hành vi tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, cùng dựa trên các cơ sở nêu trên nhưng trên thực tế lại xuất hiện một số quan niệm khác nhau về tố cáo hành vi tham nhũng.
Có quan niệm cho rằng, tố cáo hành vi tham nhũng là việc công dân theo thủ tục do pháp luật về tố cáo, pháp luật về phòng, chống tham nhũng báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về một hoặc nhiều hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn(1).
Xét về phương diện quy định của pháp luật thì quan niệm này không sai nhưng trên phương diện thực tiễn tố cáo và xử lý tố cáo về hành vi tham nhũng thì quan niệm này lại bộc lộ sự cứng nhắc và khó áp dụng, bởi lẽ: Luật Phòng, chống tham nhũng quy định nhiều hành vi tham nhũng. Chủ thể thực hiện và biểu hiện khách quan của một số hành vi tham nhũng lại rất giống nhau, rất dễ dẫn đến nhầm lẫn nếu thiếu kiến thức pháp lý. Ví dụ như ở hành vi nhận hối lộ, người tố cáo có thể dễ dàng nhận diện được hành vi tham nhũng này để tố cáo chính xác hành vi đó với cơ quan, người có thẩm quyền. Nhưng nếu là một số hành vi khác như: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi… thì người tố cáo hầu như chỉ tố cáo được những việc làm, biểu hiện sai trái của người bị tố cáo mà khó có thể khái quát, để xác định được cụ thể đó là hành vi tham nhũng nào. Ngay cả người tiếp nhận, xử lý tố cáo trong một số trường hợp cũng không dễ gì xác định được một cách chính xác hành vi bị tố cáo là hành vi nào trong số các hành vi tham nhũng theo quy định.
Mặt khác, chủ thể, biểu hiện khách quan của một số hành vi tham nhũng cũng lại rất giống với một số hành vi vi phạm pháp luật khác của người có chức vụ, quyền hạn mà điểm khác biệt chỉ là động cơ thực hiện hành vi. Trong khi đó, việc xác định động cơ của một hành vi vi phạm pháp luật là rất khó khăn đối với người tố cáo và ngay cả đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Do đó, có nhiều trường hợp người tố cáo kiên quyết cho rằng hành vi mà mình tố cáo là tham nhũng nhưng thực ra đó lại là một vi phạm khác… Ví dụ như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi và hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đều là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ nhưng chỉ khác nhau ở chỗ trong hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn vì vụ lợi, người thực hiện hành vi đã hoặc có thể đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần thông qua việc thực hiện hành vi đó, còn trong hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bản thân người thực hiện hành vi đó chẳng được lợi gì mà có thể chỉ do năng lực yếu kém, thiếu sâu sát trong tổ chức công việc hoặc vì những lý do, động cơ khác không phải là vụ lợi.
Quan niệm khác lại cho rằng: Tố cáo hành vi tham nhũng là việc công dân bằng các hình thức tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi của bất cứ người có chức vụ, quyền hạn nào đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình vì vụ lợi.
Quan niệm này đã hạn chế được sự cứng nhắc của quan niệm thứ nhất nêu trên và cũng phù hợp với quy định của pháp luật, song cũng gặp vướng mắc trong thực tiễn. Đó là tình trạng trong một số trường hợp, nội dung tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn thì rõ nhưng người tố cáo lại quy chụp, suy diễn động cơ vụ lợi để cho rằng người bị tố cáo có hành vi tham nhũng. Điển hình như nhiều trường hợp công dân bị thu hồi đất, sau khi khiếu nại không được giải quyết thì chuyển sang tố cáo người ký quyết định thu hồi đất là đã thu hồi đất trái pháp luật, thậm chí tố cáo người giải quyết khiếu nại đã giải quyết trái pháp luật, đồng thời quy chụp, suy diễn rằng những người đó sở dĩ làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi với luận điểm: Nếu không vì động cơ vụ lợi thì những người có chức, có quyền,am hiểu pháp luật, dầy dạn kinh nghiệm sẽ không dại gì mà làm sai chính sách, pháp luật… Do đó, nếu dùng quan niệm này để coi những trường hợp tố cáo như ví dụ trên là tố cáo hành vi tham nhũng thì hoàn toàn không chính xác nhưng để bác bỏ nó thì sức thuyết phục chưa cao.
Để có quan niệm đầy đủ, chặt chẽ về tố cáo hành vi tham nhũng thì phải xem xét đồng thời cả yếu tố “hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và yếu tố “vụ lợi” trong việc thực hiện hành vi đó. Có những hành vi tham nhũng chỉ cần tố cáo hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì đồng thời cũng đã tố cáo biểu hiện của động cơ vụ lợi. Ví dụ như tố cáo hành vi nhận hối lộ. Nhưng lại có nhiều hành vi nếu chỉ tố cáo biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì chưa rõ là tố cáo tham nhũng. Ví dụ như một người có thẩm quyền ký quyết định giao đất cho một doanh nghiệp không đủ điều kiện được giao đất. Nếu chỉ tố cáo như vậy mà đã coi là tố cáo tham nhũng thì không đúng vì đó cũng là biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm, nhưng nếu người tố cáo nêu thêm nội dung rằng doanh nghiệp được giao đất là của vợ, con người ký quyết định giao đất thì lại có cơ sở để xác định tố cáo đó là tố cáo hành vi tham nhũng. Ngược lại, nếu chỉ tố cáo biểu hiện của vụ lợi mà không phản ảnh được vi phạm thì cũng không phải là tố cáo tham nhũng.
Vì vậy, nhìn chung, một tố cáo được coi là tố cáo hành vi tham nhũng thì đồng thời phải phản ánh được cả biểu hiện của hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn và biểu hiện vụ lợi của người có chức vụ quyền hạn khi thực hiện hành vi đó.
Để có được khái niệm toàn diện về tố cáo hành vi tham nhũng thì cũng cần phải phân biệt được những khác biệt giữa tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật nói chung theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo (gọi chung là tố cáo thông thường), đồng thời cũng phải phân biệt được những khác biệt giữa tố cáo hành vi tham nhũng với tố giác hành vi phạm tội tham nhũng theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Tố cáo hành vi tham nhũng và tố cáo thông thường có một số điểm khác nhau cơ bản như sau:
– Về hình thức tố cáo: Tố cáo thông thường chỉ được thực hiện dưới hai hình thức là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn, trong khi đó tố cáo hành vi tham nhũng còn có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác như tố cáo bằng điện thoại, tố cáo bằng thông điệp dữ liệu, tố cáo bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
– Về đối tượng bị tố cáo: Tố cáo thông thường đa dạng hơn về đối tượng bị tố cáo. Người bị tố cáo có thể là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Còn trong tố cáo hành vi tham nhũng, đối tượng bị tố cáo chỉ có thể là cá nhân và phải là người có chức vụ, quyền hạn. Cũng có trường hợp người tố cáo nhận thức không đúng khi cho rằng họ tố cáo cả một tập thể, một tổ chức tham nhũng. Thực chất, đó chỉ là tố cáo nhiều cá nhân tham nhũng mà thôi.
– Về nội dung tố cáo: Trong tố cáo thông thường, người tố cáo chỉ cần báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào của cá nhân, tổ chức bị tố cáo mà không cần quan tâm đến động cơ, mục đích thực hiện hành vi đó. Còn trong tố cáo hành vi tham nhũng, ngoài việc báo cho cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó, người tố cáo thường mô tả cả biểu hiện cụ thể về lợi ích vật chất, tinh thần mà người thực hiện hành vi đạt được hoặc có thể đạt được thông qua việc thực hiện hành vi đó. Nếu người tố cáo chỉ mô tả về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ, nhiệm vụ với những bằng chứng cụ thể mà lại không phản ánh được dấu hiệu của động cơ vụ lợi hoặc người tố cáo lại quy chụp, suy diễn động cơ vụ lợi mà không nêu được biểu hiện cụ thể của nó thì những tố cáo đó cũng chỉ là tố cáo thông thường mà không phải là tố cáo hành vi tham nhũng.
Tố cáo hành vi tham nhũng và tố giác tội phạm tham nhũng cũng có những điểm khác biệt nhất định. Tố cáo hành vi tham nhũng bao gồm tất cả các hành vi tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (12 hành vi), không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm. Còn tố giác tội phạm tham nhũng chỉ bao gồm nhóm các hành vi có thể cấu thành tội phạm tham nhũng (7 loại tội phạm tham nhũng) và các hành vi đó phải có tính nguy hiểm cao cho xã hội mà biểu hiện khách quan của tội phạm đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự, phần các tội phạm tham nhũng. Do đó, có thể nói tố cáo hành vi tham nhũng rộng hơn và cơ bản đã bao hàm cả việc tố giác hành vi phạm tội tham nhũng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt cơ bản mà vì nó ta không thể đặt khái niệm tố cáo hành vi tham nhũng bao trùm lên khái niệm tố giác hành vi tham nhũng đó là: Tố cáo hành vi tham nhũng là quyền của công dân, còn tố giác tội phạm tham nhũng vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân (Khoản 1, Điều 25, Bộ luật Tố tụng hình sự). Quan hệ pháp luật về tố cáo hành vi tham nhũng chỉ phát sinh sau khi công dân thực hiện quyền tố cáo, còn quan hệ pháp luật về tố giác tội phạm tham nhũng thì phát sinh ngay sau khi công dân biết về tội phạm tham nhũng. Công dân có quyền quyết định việc mình sẽ tố cáo hay không tố cáo một hành vi tham nhũng nhưng bắt buộc phải tố giác nếu đã biết về tội phạm tham nhũng. Công dân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu biết mà không tố giác tội phạm tham nhũng.
Từ các quy định của pháp luật hiện hành về tố cáo, phòng, chống tham nhũng và những nội dung phân tích nêu trên, có thể rút ra khái niệm về tố cáo hành vi tham nhũng như sau: Tố cáo hành vi tham nhũng là việc công dân thực hiện quyền của mình và bằng các hình thức tố cáo theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và biểu hiện cụ thể về lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua việc thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó./.
(1) Người có chức vụ quyền hạn bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Phạm Trọng Đạt
(Nguồn thanhtravietnam.vn)