Bài viết nằm trong loạt bài chuyên khảo nghiên cứu tìm hiểu về Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh của Phạm Ánh Tuyết – Quản trị viên Diễn đàn Thanhtra.Edu.Vn
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII một lần nữa đã nhấn mạnh chủ trương của Đảng ta về nội dung tiếp tục đổi mới nền kinh tế đất nước, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Thành tựu công cuộc phát triển kinh tế trong những năm qua đã chứng minh một cách đầy thuyết phục quan điểm chỉ đạo của Đảng ta từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI năm 1986 – Kì Đại hội đổi mới, chúng ta xác định xây dựng mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa làm đòn bẩy giải phóng lực lượng sản xuất, tạo tiền đề thực hiện thành công sứ mệnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đã gần 30 năm đổi mới và phát triển, có rất nhiều đánh giá khác nhau từ các chính trị gia, nhà kinh tế, các học giả, nhà nghiên cứu về mối quan hệ giữa lí luận kinh tế chính trị Mac Lênin với mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang đi theo. Đa phần quan điểm khẳng định tính tất yếu và nét sáng tạo đặc biệt này là do Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở vận dụng Chủ nghĩa Mac Lênin thích ứng linh hoạt với đặc thù điều kiện trong nước để tạo ra một chế độ kinh tế mới. Song cùng với đó còn có nhiều ý kiến nhận định thực chất kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam chính là nền kinh tế Tư bản Chủ nghĩa.
Để làm sáng tỏ một số luận điểm còn gây tranh luận phía trên, trước hết chúng ta cần nhìn nhận lại toàn bộ hệ tư tưởng kinh điển của Chủ nghĩa Mac Lênin đối với các khái niệm nền kinh tế thị trường, kinh tế tư bản chủ nghĩa và kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà ở đó người mua và người bán tác động lẫn nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Còn nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là nền kinh tế được điều hành bởi cá nhân và các doanh nghiệp tư nhân hướng đến phục vụ cho quyền lợi cá nhân nên kinh doanh trong nền kinh tế này về cơ bản là tự định hướng , tự điều hành, tự phát theo quy luật của thị trường tự do và quy luật cạnh tranh.
Ngược lại, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tên gọi một hệ thống kinh tế được Đảng cộng sản Việt Nam sáng tạo và chủ trương triển khai tại nước ta từ thập niên 90. Cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có giải thích nguyên lý chung rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dễ dàng nhận thấy : Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là do nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý; điều này hoàn toàn không đúng với kinh tế tư bản chủ nghĩa, được tự điều hành bởi cá nhân và các doanh nghiệp tư nhân.
Thông qua sự lý giải sơ bộ trên đây cùng với hệ thống luận cứ dẫn chứng tiếp theo, ta sẽ thấy được điểm khác nhau cơ bản giữa hai khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Thứ nhất, không nên lầm tưởng rằng, kinh tế thị trường chỉ gắn liền với chủ nghĩa tư bản, còn chủ nghĩa xã hội thì không. Quan niệm này xuất phát từ mô hình kinh tế bao cấp của Liên Xô và Đông Âu trước kia, song chính Liên Xô trong giai đoạn lãnh đạo của Lenin cũng có nền kinh tế thị trường. Thực ra, theo lý luận của Lenin thì chủ nghĩa xã hội là bước chuyển của chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Trong mô hình kinh tế là hỗn hợp, đan xen giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể với kinh tế tư bản tư nhân. Những lý luận đầu tiên và sơ khai về kinh tế thị trường của chủ nghĩa xã hội được ra đời và tiếp tục phát triển trong ba thập niên đầu của thế kỷ hai mươi. Lịch sử phát triển thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy Chủ nghĩa xã hội kết hợp với yếu tố thị trường còn được gọi là Con đường thứ ba ( để phân biệt sự khác biệt hoàn toàn với hai con đường khác là kinh tế tư bản chủ nghĩa và kinh tế kế hoạch hóa tập trung). Và Con đường này đã phát triển nhanh, mạnh ở nhiều nước trên thế giới đến tận ngày nay.
Thứ hai, cho đến nay, nhân loại mới chỉ biết đến nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa như là nền kinh tế phát triển ở trình độ cao. Nhân loại chưa biết đến nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi vì ở nơi mà chủ nghĩa xã hội hiện thực đã ra đời thì lại không phát triển thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; còn ở nơi phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chủ nghĩa xã hội chưa phát triển hoàn chỉnh. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đây là một điểm đột phá lý luận, một mô hình thực tiễn đang trong quá trình thử nghiệm, là sự phủ định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp. Đương nhiên, đó không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, tuy rằng nó có thể học hỏi nhiều điều từ nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa hiện đại. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có bản chất kinh tế khác với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Bản chất đó được quy định bởi các quan hệ kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thứ ba, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta không chỉ khác kiểu với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa thế giới mà còn khác về trình độ phát triển. Nền kinh tế thị trường nước ta còn đơn giản, trong khi nền kinh tế thị trường thế giới đã ở trình độ phát triển hiện đại. Chúng ta cần nhanh chóng đẩy mạnh hội nhập nền kinh tế thị trường nước ta vào nền kinh tế thị trường thế giới. Từ nền kinh tế thị trường Việt Nam tiến tới hội nhập với nền kinh tế thị trường thế giới, xét từ góc độ kinh tế hàng hóa là từ kinh tế hàng hóa giản đơn của những người sản xuất nhỏ tiến tới hội nhập với nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa hiện đại. Chúng ta sẽ đi từ nền kinh tế hàng hóa nhỏ lên nền kinh tế hàng hóa lớn mang bản chất xã hội chủ nghĩa, nhưng tiếp thu và sử dụng tối đa các thành tựu của nền kinh tế hàng hóa lớn tư bản chủ nghĩa.
Tóm lại, bằng lí luận kinh tế chính trị Mac Lênin kết hợp với hiện thực điều hành và phát triển nền kinh tế nước ta những năm qua, có thể khẳng định bản chất nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đồng thời từ đó nhìn nhận sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân thêm vững tin thực hiện theo định hướng phát triển kinh tế đất nước mà Đảng ta đã đề ra, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Phạm Thị Ánh Tuyết