Giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã được chứng minh qua thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc, vậy tại sao họ lại làm nên được những kì tích và chiến thắng cũng như sự đóng góp cho dân tộc nói riêng và cho giai cấp công nhân thế giới nói chung.
Vậy đặc điểm của giai cấp công nhân là gì? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu thêm về đặc điểm của giai cấp công nhân và điều kiện để giai cấp công nhân Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
1. Đặc điểm giai cấp công nhân
Có thể thấy giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất và cách mạng nhất, là lực lượng xã hội duy nhất có sứ mệnh lịch sử: xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và giải phóng toàn thể nhân loại khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn lạc hậu, xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Với vai trò lịch sử của giai cấp công nhân đã được khẳng định tới hiện tại thì họ rất xứng đáng bởi xuất thân của giai cấp công nhân không có tư liệu sản xuất nên buộc bán sức lao động của mình cho nhà tư bản để sống. Họ bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư mà họ đã tạo ra trong thời gian lao động.
Không chỉ yếu thế về tư liệu sản xuất mà từ đó cũng khiến cho địa vị kinh tế xã hội của họ thấp kém, những nó cũng giúp cho giai cấp công nhân trở thành giai cấp cách mạng triệt để và có khả năng thực hiện sứ mệnh lịch sử, đó là khả năng đoàn kết toàn thể giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên quy mô quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc. Đặc điểm của giai cấp công nhân được thể hiện qua một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Giai cấp công nhân là giai cấp của những người lao động sản xuất vật chất là chủ yếu (với trình độ trí tuệ ngày càng cao, đồng thời cũng ngày càng có những sáng chế, phát minh lý thuyết được ứng dụng ngay trong sản xuất). Vì thế, giai cấp công nhân có vai trò quyết định nhất sự tồn tại và phát triển xã hội.
C.Mác và Ph.Ăngghen dựa trên cơ sở địa vị kinh tế – xã hội của giai cấp công nhân để luận chứng cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp đó, chứ không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của bất kỳ một cá nhân hoặc một lực lượng xã hội nào. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, chế độ TBCN đã từng chiến thắng chế độ phong kiến bởi vì giai cấp tư sản đại diện cho lực lượng sản xuất hiện đại, đại diện cho phương thức sản xuất mới, đại diện cho nhân tố mới trong thực tiễn xã hội đang mục ruỗng, lạc hậu của chế độ phong kiến.
Và giai cấp công nhân chính là một lực lượng mới trong xã hội tư bản, là sản phẩm của nền đại công nghiệp, là lực lượng sản xuất tiên tiến đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.
Thứ hai: Giai cấp công nhân là giai cấp đối lập với lợi ích cơ bản của giai cấp tư sản. Giai cấp công nhân góp phần xóa bỏ chế độ tư hữu, xóa bỏ áp bức bóc lột, giành chính quyền và làm chủ xã hội. Trong khi giai cấp tư sản là giai cấp bóc lột và không bao giờ tự rời bỏ những vấn đề cơ bản đó. Do vậy, giai cấp công nhân có tinh thần cách mạng triệt để. Đây là “giai cấp dân tộc” – vừa có quan hệ quốc tế, vừa có bản sắc dân tộc và chịu trách nhiệm trước hết với dân tộc mình.
Nói về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, C.Mác và Ph.Ăngghen viết, “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản thì trái lại, là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(2). Chính vì bị đẩy xuống đáy tận cùng của nấc thang xã hội, giai cấp công nhân trở thành nơi hội tụ của những khao khát được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột mà tất cả những người lao động có thể gửi gắm ủy thác.
Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng xã hội. Giai cấp công nhân có quyền nhân danh lợi ích toàn xã hội để đứng ra tập hợp các giai cấp, các tầng lớp bị áp bức, bóc lột, những phần tử tiên tiến trong cuộc đấu tranh đó. Cuộc đấu tranh ấy được bắt đầu ngay từ khi giai cấp công nhân ra đời, trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ tự phát đến tự giác, cuối cùng kết thúc bằng cuộc cách mạng XHCN, trong đó giai cấp công nhân lãnh đạo tất cả những người lao động dùng bạo lực lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, giành lấy chính quyền.
Thứ ba: Giai cấp có hệ tư tưởng riêng của giai cấp mình. Hệ tư tưởng đó là chủ nghĩa Mác-Lênin phản ánh sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, đồng thời hệ tư tưởng đó dẫn dắt quá trình giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình nhằm giải phóng xã hội, giải phóng con người. Giai cấp công nhân ở Đảng tiên phong của mình là Đảng Cộng Sản (Đảng Mác-Lênin).
2. Đặc điểm nào của giai cấp công nhân là quan trọng nhất?
Theo như các đặc điểm nêu như trên ta có thể thấy đặc điểm thứ ba là quan trọng nhất vì:
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, đảng cộng sản ra đời từ đòi hỏi tất yếu của sự phát triển giai cấp công nhân. Đảng cộng sản là tổ chức của những con người ưu tú từ phong trào cách mạng, nơi hội tụ mọi ước nguyện của sự giải phóng và giá trị tốt đẹp. Với sứ mệnh đó, đảng cộng sản mang bản chất của giai cấp công nhân.
Như đã phân tích, giai cấp công nhân mang trong mình thuộc tính bản chất của giai cấp cách mạng. Đó là giai cấp có tính kỷ luật chặt chẽ, giai cấp tiên tiến, tiên phong, triệt để, nhân văn, nhân đạo sâu sắc… Do vậy, đảng cộng sản mang bản chất của giai cấp công nhân chính là đảng mang những thuộc tính bản chất của giai cấp ấy.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, trong các giai tầng xã hội, giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng nhất nên những đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân sẽ có môi trường tốt để rèn luyện trưởng thành nhanh hơn so với các giai tầng xã hội khác, chứ không phải các giai tầng khác không thể rèn luyện những phẩm chất của giai cấp cách mạng. Nhưng điều này cũng có nghĩa là không phải bất kỳ ai xuất thân từ giai cấp công nhân cũng đương nhiên là người cách mạng nhất. Mỗi người công nhân phải có quá trình rèn luyện mình để trưởng thành, từ việc nhận thức về vai trò, trách nhiệm đến nhận thức sứ mệnh; từ việc vươn lên thành giai cấp dân tộc đến trở thành dân tộc.
Cũng theo nghĩa đó, khi đã trở thành đảng viên của đảng cộng sản, mang trong mình bản chất của giai cấp cách mạng thì đều có thể trở thành lãnh đạo của Đảng. Điều này cũng bác bỏ một số quan điểm cho rằng, đảng mang bản chất của giai cấp công nhân mà nhiều lãnh đạo của đảng cộng sản không xuất thân từ giai cấp công nhân. Quan niệm như vậy là máy móc, siêu hình, không hiểu được nội hàm “bản chất giai cấp công nhân của đảng”.
3. Sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam
Một là, sứ mệnh lịch sử
Sứ mệnh lịch sử là nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng buộc phải thực hiện trong một điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Cũng như vậy, sứ mệnh lịch sử của một giai cấp là nhiệm vụ thiêng liêng, quan trọng buộc một giai cấp phải thực hiện trong cuộc đấu tranh giai cấp để làm cho xã hội phát triển từ thấp đến cao. Trong xã hội có giai cấp (xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản chủ nghĩa) tất yếu có sự phân biệt, mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp, mà nguồn gốc và nguyên nhân của nó là do sự tư hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu trong xã hội. Trong cuộc đấu tranh giai cấp giữa các giai cấp có lợi ích đối kháng (giai cấp thống trị – giai cấp bị trị), khi giai cấp thống trị trở lên thối nát và trở thành nhân tố cản trở bước tiến của xã hội, người lao động trong xã hội ấy bị áp bức, bóc lột nặng nề, khi đó tất yếu phải có một giai cấp đứng lên đảm nhận sứ mệnh lịch sử để làm cuộc cách mạng xã hội thay đổi hình thái kinh tế – xã hội cũ, xóa bỏ chế độ thống trị của giai cấp cũ đã lỗi thời, lạc hậu bằng một hình thái kinh tế – xã hội mới tiến bộ hơn, phù hợp hơn, làm cho xã hội không ngừng phát triển. Như vậy, sứ mệnh lịch sử của thời đại là do một giai cấp đảm nhận và tất yếu không thể tránh khỏi, đó là đòi hỏi, yêu cầu khách quan của lịch sử.
Hai là, lựa chọn các giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại
Trong xã hội có giai cấp, đầu tiên là xã hội chiếm hữu nô lệ, mà ở đó, mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ – hai giai cấp chính trong xã hội, đồng thời là hai giai cấp đối kháng trực tiếp với nhau. Bên cạnh đó, còn có những mâu thuẫn khác giữa giai cấp thống trị và tầng lớp nhân dân lao động khác trong xã hội. Do vậy, có mâu thuẫn tất yếu sẽ có đấu tranh. Tuy nhiên, người đứng lên làm cuộc cách mạng, lãnh đạo những người bị áp bức, bóc lột để lật đổ ách thống trị lại không phải là những người nô lệ – người bị áp bức bóc lột nặng nề nhất, người có mâu thuẫn đối kháng gay gắt nhất với giai cấp thống trị đương thời. Lịch sử đã lựa chọn một giai cấp khác, đó là giai cấp địa chủ (lãnh chúa) đó là tầng lớp địa chủ (lãnh chúa) tiến bộ.
Cũng tương tự như vậy, trong xã hội phong kiến, mâu thuẫn chủ yếu là giữa phong kiến với nông dân bên cạnh những mâu thuẫn khác giữa phong kiến với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Tuy nhiên, lịch sử cũng không lựa chọn nông dân làm người đứng lên làm cách mạng, mặc dù họ cũng là người bị áp bức bóc lột nặng nề nhất. Lịch sử đã lựa chọn giai cấp tư sản mà tiền thân là tầng lớp tư sản tiến bộ đương thời.
Trong thời đại tư bản chủ nghĩa, mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên vẫn còn tồn tại mâu thuẫn. Hai giai cấp chính, chủ yếu, đối lập với nhau và mâu thuẫn trực tiếp, gay gắt nhất là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân là những người bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất, và tất yếu sẽ còn nổ ra cách mạng xã hội. Vậy lịch sử sẽ lựa chọn ai đảm nhận sứ mệnh lịch sử này? Phải chăng là một giai cấp thứ ba theo lô-gích của lịch sử chứ không phải giai cấp công nhân? Có quan điểm cho rằng, trí thức là người lãnh đạo cách mạng xã hội mới phù hợp với lô-gích lịch sử. Lập luận về một giai cấp thứ ba đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại để phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện nay là một quan điểm hết sức sai lầm. Cách lập luận đó chưa đi vào bản chất của vấn đề, góc tiếp cận hết sức giản đơn, máy móc.
Trong xã hội có giai cấp, có mâu thuẫn giai cấp tất yếu dẫn tới đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội, cách mạng xã hội sẽ làm thay đổi hình thái kinh tế – xã hội. Điều đó là đúng nhưng chưa đủ. Mâu thuẫn giai cấp đó phải là những biểu hiện của mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Lịch sử không lựa chọn giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử chỉ dựa trên mâu thuẫn trực tiếp gay gắt nhất với giai cấp thống trị, mà giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử phải có đủ điều kiện và khả năng thực hiện nhiệm vụ đó. Cách mạng xã hội làm thay đổi hình thái kinh tế – xã hội, nhưng nguyên nhân sâu xa xét đến cùng của mọi cuộc cách mạng xã hội là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, việc giải quyết mâu thuẫn này tất yếu bằng cách mạng xã hội và hình thái kinh tế mới ra đời. Vậy việc lựa chọn ai làm người đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại cũng phải được xuất phát từ trong mối quan hệ này.
Giai cấp thống trị đến một lúc nào đó thường là người đại diện cho quan hệ sản xuất cũ đã lỗi thời, lạc hậu. Vì vậy, ai đại diện cho phương thức sản xuất mới tiến bộ sẽ được lựa chọn đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại chứ không phải chỉ dựa trên tiêu chí ai bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất, ai có mâu thuẫn gay gắt nhất. Với cách tiếp cận như trên, ta hoàn toàn thấy phù hợp khi lịch sử lựa chọn giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản và giai cấp công nhân là những người đảm nhận sứ mệnh lịch sử của mỗi thời đại tương ứng.
Chúng ta thấy, lịch sử lựa chọn giai cấp địa chủ đảm nhận sứ mệnh lịch sử trong thời đại chiếm hữu nô lệ, bởi vì: Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, chủ nô duy trì quan hệ sản xuất dựa trên sự chiếm hữu về nô lệ, chiếm hữu về con người, chiếm hữu cả về tư liệu lao động và người lao động. Khi xã hội chiếm hữu nô lệ phân hóa, một bộ phận tầng lớp những người tự do, họ tích cực khai hoang, mở rộng diện tích đất đai canh tác, họ dần dần nâng cao trình độ canh tác trên những mảnh đất mầu mỡ và ngày càng rộng lớn của mình. Họ tổ chức và tạo ra một phương thức sản xuất tiến bộ hơn, năng suất lao động ngày càng cao hơn, họ trở thành những ông chúa đất, địa chủ và một yêu cầu đặt ra là cần có sức lao động. Trong khi đó, sức lao động chính là nô lệ thì đang ở trong tay các ông chủ nô lệ. Mâu thuẫn đó cần phải giải quyết và lịch sử đã lựa chọn giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới đó là giai cấp địa chủ (tiền thân là chúa đất và địa chủ tiến bộ) đảm nhận nhiệm vụ sứ mệnh đó chứ không phải những người nô lệ.
Cũng như vậy, trong xã hội phong kiến, giai cấp địa chủ duy trì kiểu quan hệ sản xuất cũ bằng việc “phát canh, thu tô” kinh tế tự túc, tự cấp và phục vụ cho điều đó là chính sách “ngăn sông, cấm chợ” để thu tô thuế. Trong khi đó, một bộ phận tiểu thương, tiểu chủ (tiền thân của giai cấp tư sản) đã bước đầu manh nha hình thành một kiểu tổ chức sản xuất mới, đó là chuyên môn hóa, chuyên canh trong sản xuất, tạo ra hiệu quả và năng suất lao động cao hơn gấp nhiều lần trước đây. Và để thực hiện được hình thức này cần phải xóa bỏ chính sách “ngăn sông, cấm chợ” để thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, nó lại vấp phải mâu thuẫn với quan hệ sản xuất cũ của giai cấp thống trị phong kiến. Mâu thuẫn này cần được giải quyết và lịch sử đã lựa chọn giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới đó là giai cấp tư sản đảm nhận nhiệm vụ sứ mệnh đó chứ không phải những người nông dân.
Trong thời đại hiện nay, khi xã hội tư bản đang tồn tại mâu thuẫn giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Thực chất của mâu thuẫn này xuất phát từ tính đối kháng giữa hai phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Giai cấp tư sản, đại diện cho phương thức sản xuất cũ đang thống trị xã hội với tham vọng bóc lột ngày càng nhiều giá trị thặng dư nên chúng cố gắng tìm mọi cách duy trì kiểu quan hệ sản xuất của mình với hình thức tách người lao động ra khỏi tư liệu lao động bằng việc chiếm đoạt toàn bộ tư liệu sản xuất chủ yếu trong xã hội và thực hiện bóc lột giá trị thặng dư. Tuy nhiên, khi sản xuất phát triển thì tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất ngày càng cao, đặt ra yêu cầu và đòi hỏi tư liệu sản xuất phải thuộc về người lao động trong xã hội. Đòi hỏi này vấp phải cản trở lớn từ phương thức sản xuất cũ của giai cấp tư sản, trong khi đó, giai cấp công nhân là người đại diện cho một phương thức sản xuất mới, đồng thời lại là người có mâu thuẫn trực tiếp gay gắt nhất với giai cấp thống trị. Do đó, người đại diện cho phương thức sản xuất mới tiến bộ, có mâu thuẫn trực tiếp đối kháng với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đại diện cho lực lượng sản xuất mới tiến bộ, lực lượng sản xuất chính chủ yếu của xã hội là giai cấp công nhân sẽ được lịch sử lựa chọn là giai cấp đứng lên đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại là một tất yếu khách quan. Cũng chính từ đặc điểm giai cấp công nhân vừa là giai cấp có mâu thuẫn trực tiếp gay gắt nhất, bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất bởi giai cấp thống trị, vừa là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới tiến bộ ra đời từ chính phương thức sản xuất cũ của giai cấp tư sản, do đó, cuộc cách mạng do giai cấp công nhân đảm nhận lãnh đạo có mục tiêu và tính chất khác hẳn về bản chất so với các cuộc cách mạng trước đây. Cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo hướng tới mục tiêu xóa bỏ tư hữu, xóa bỏ giai cấp, thực hiện giải phóng con người, giải phóng toàn nhân loại, tính chất triệt để và toàn diện được thể hiện rõ chứ không chỉ dừng lại ở việc thay đổi giai cấp thống trị này bằng giai cấp thống trị khác, thay đổi kiểu hình thức bóc lột này bằng kiểu hình thức bóc lột khác tinh vi hơn, hiện đại hơn. Cuộc cách mạng ấy đòi hỏi phải được thực hiện triệt để trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội chứ không đơn thuần diễn ra chủ yếu trên lĩnh vực chính trị như các cuộc cách mạng xã hội của các giai cấp trước đây.
4. Những điều kiện của một giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại
Khi được lịch sử lựa chọn là giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại thì giai cấp ấy cần phải có các điều kiện của một giai cấp lãnh đạo cách mạng nhất định. Nhìn lại tổng quan các giai cấp đã đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại (giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản, giai cấp công nhân), chúng ta thấy các giai cấp này đều hội đủ những điều kiện cơ bản sau đây:
Thứ nhất, các giai cấp này đều phải là giai cấp có lợi ích mâu thuẫn với giai cấp thống trị đương thời, bởi lẽ có mâu thuẫn thì mới có đấu tranh và tính chất của mâu thuẫn ấy phải là mâu thuẫn đối kháng thì giai cấp đó mới lãnh đạo được phong trào cách mạng và cách mạng mới có thể diễn ra và thành công.
Thứ hai, giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại phải là một giai cấp có hệ tư tưởng riêng, độc lập và tiến bộ. Để sáng tạo ra một hệ tư tưởng riêng, độc lập thì không phải giai cấp nào cũng làm được điều đó, hơn nữa hệ tư tưởng của giai cấp thì luôn xuất phát từ lợi ích của giai cấp ấy, nó có tiến bộ và phù hợp hay không là do hệ thống lợi ích của giai cấp ấy chi phối. Trong lịch sử xã hội, trí thức là người có khả năng sáng tạo ra các hệ tư tưởng và giai cấp nào lôi kéo, vận động được trí thức đi theo phong trào cách mạng của mình thì trí thức sẽ sáng tạo ra hệ tư tưởng riêng, độc lập, tiến bộ trên lập trường, tư tưởng của giai cấp đó. Trí thức chưa bao giờ sáng tạo ra hệ tư tưởng cho riêng mình, bởi lẽ trí thức không phải là một giai cấp thuần nhất và lợi ích của họ luôn bám theo lợi ích của một giai cấp khác (hoặc là giai cấp thống trị hoặc là giai cấp tiến bộ đang hình thành). Và trong lịch sử, giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản cũng như giai cấp công nhân đều vận động được trí thức làm được điều đó và họ trở thành giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại.
Thứ ba, giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại phải là giai cấp có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội đương thời. Điều này là cơ sở để giai cấp lãnh đạo cách mạng vận động thu hút và tập hợp lực lượng cho phong trào cách mạng. Giai cấp phong kiến mà tiền thân là bộ phận chúa đất, địa chủ tiến bộ thời kỳ xã hội chiếm hữu nô lệ là bộ phận tiến bộ có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của đông đảo những người lao động trong xã hội đương thời. Bởi lẽ, họ mong muốn đánh đổ chủ nô để giải phóng nô lệ và những người lao động khác nhằm giải phóng sức lao động phục vụ cho phương thức sản xuất mới của mình – điều phù hợp với đông đảo các giai tầng trong xã hội thời kỳ đó. Tương tự như vậy, trong xã hội phong kiến, tư sản mà tiền thân là các nhà tiểu thương, tiểu chủ tiến bộ cũng có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của các giai tầng trong xã hội. Họ đều muốn đánh đổ phong kiến để thoát khỏi cảnh sưu cao, thuế nặng đang đè nặng lên cuộc sống người lao động. Đến giai cấp công nhân thì điều này thể hiện càng rõ nét, họ là đại diện cho lực lượng sản xuất chính, chủ yếu của xã hội, đồng thời họ là người bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất và không còn con đường nào khác để giải phóng họ, đó là giải phóng toàn nhân loại. Tuy nhiên, địa chủ và tư sản chỉ có lợi ích ban đầu thống nhất được với những người lao động, đó là mục tiêu lật đổ giai cấp thống trị, nhưng khi giành được chính quyền thì những lợi ích của họ hoàn toàn thay đổi và đi ngược lại lợi ích của người lao động.
Thứ tư, giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại phải là giai cấp có chính đảng riêng, độc lập lãnh đạo phong trào cách mạng. Đảng là tổ chức chính trị tiên phong của cách mạng, là tổ chức lãnh đạo mọi hoạt động của phong trào cách mạng. Đảng vừa là nhân tố đề ra các chủ trương, đường lối cho phong trào cách mạng, đồng thời còn là hạt nhân đoàn kết, tập hợp lực lượng cho phong trào cách mạng. Chính vì vậy, để lãnh đạo được phong trào cách mạng thì giai cấp lãnh đạo đó phải có chính đảng riêng, độc lập, và chính đảng đó phải có một lý luận cách mạng tiến bộ dẫn lối, làm cơ sở để tìm ra con đường cách mạng đúng đắn, dẫn dắt phong trào cách mạng đi tới thắng lợi.
Nhìn lại lịch sử chúng ta đều thấy, giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản đều tổ chức ra chính đảng của mình và chính đảng ấy luôn đại diện cho lợi ích của giai cấp thành lập ra nó, tổ chức đảng của địa chủ và tư sản đã tìm mọi cách để vận động tập hợp lực lượng cho phong trào cách mạng của họ. Đơn cử như giai cấp tư sản khi muốn tập hợp lực lượng để đánh đổ phong kiến thì chính đảng của họ đã đưa ra khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” để vận động lực lượng cho cách mạng. Nhưng khi giành được chính quyền thì giai cấp tư sản đã phản bội, điều đó cho thấy, đó chỉ là khẩu hiệu để giai cấp tư sản tập hợp lực lượng chứ không phải mục tiêu của cách mạng tư sản.
Thứ năm, giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại phải là giai cấp đại diện cho một phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn. Điều này đã được chứng minh khi lịch sử lựa chọn giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản, giai cấp công nhân đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại chứ không phải giai cấp có mâu thuẫn gay gắt nhất, bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất. Giai cấp ấy có thể ra đời từ quan hệ sản xuất mới hoặc từ lực lượng sản xuất mới. Như giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản, họ đại diện cho một phương thức sản xuất mới nhưng họ đều ra đời từ quan hệ sản xuất, họ đại diện cho một hình thức quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn và họ làm cách mạng để đánh đổ kiểu quan hệ sản xuất cũ đã lạc hậu. Chính vì lẽ đó mà cuộc cách mạng do địa chủ và tư sản lãnh đạo chỉ là sự thay đổi giai cấp thống trị này bằng giai cấp thống trị khác. Đến giai cấp công nhân, họ là người đại diện cho một phương thức sản xuất mới nhưng họ lại ra đời và là đại diện cho một lực lượng sản xuất mới tiến bộ. Lực lượng sản xuất mới này đặt ra yêu cầu phải thay đổi kiểu quan hệ sản xuất trong phương thức sản xuất cũ thì phương thức sản xuất mới của giai cấp công nhân mới được thực hiện. Để lực lượng sản xuất mới mà giai cấp công nhân là đại diện phát triển thì một yêu cầu đặt ra đó là phải xóa bỏ tư hữu – nguồn gốc của áp bức, bóc lột bất công, nguồn gốc của giai cấp phải bị xóa bỏ. Chính vì lý do đó mà cuộc cách mạng của giai cấp công nhân không phải là sự thay đổi giai cấp thống trị này bằng giai cấp thống trị khác.
Chính từ nguồn gốc ra đời của giai cấp công nhân có sự khác biệt so với hai giai cấp đã đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại trước đó, do vậy, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù riêng. Phổ biến ở tính quy luật lựa chọn giai cấp lãnh đạo và các tiêu chí cần có của một giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại, nhưng đặc thù về nội dung, mục tiêu và tính chất của cuộc cách mạng này.
Như vậy, qua sự khái quát lịch sử xã hội lựa chọn giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại và các tiêu chí của một giai cấp lãnh đạo cách mạng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng: Trong thời đại hiện nay, giai cấp công nhân đảm nhận sứ mệnh lịch sử là người lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa để xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa là phù hợp với quy luật khách quan. Đây cũng là cơ sở để chúng ta đấu tranh chống lại các quan điểm, tư tưởng sai trái muốn xuyên tạc và phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay./.