Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, mang tính nền tảng trong tổ chức và hoạt động của chính đảng vô sản. Thực hiện nguyên tắc này là vấn đề hết sức cần thiết để xây dựng chính đảng vô sản cầm quyền thành một tổ chức chính trị chặt chẽ, thống nhất về tư tưởng và tổ chức, về ý chí và hành động. Trong quan niệm của V.I.Lênin, nguyên tắc này không chỉ là phương pháp và tác phong công tác của chính đảng vô sản cầm quyền, mà trên hết và trước hết, nó chính là chế độ tổ chức và nguyên tắc tổ chức của đảng. Do vậy, thực hiện nguyên tắc này, trong đảng cần phải thực hiện kỷ luật chặt chẽ, thống nhất, tạo ra sự thống nhất giữa tính tổ chức, tính kỷ luật và tính tư tưởng, thống nhất hành động, tự do thảo luận và phê bình, mở rộng dân chủ, đoàn kết cao độ, kết hợp giữa hai mặt dân chủ và tập trung thành một chỉnh thể thống nhất, chống tập trung quan liêu và hoạt động bè phái, cục bộ, địa phương, lối làm việc vô nguyên tắc.
Chúng ta đều biết, nguyên tắc tập trung dân chủ mà theo đó, giữa tập trung và dân chủ có sự kết hợp hữu cơ với nhau, tập trung phải dựa trên cơ sở dân chủ và dân chủ phải đặt dưới sự chỉ đạo của tập trung, đã được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác xác định là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của chính đảng vô sản và được đưa vào Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản, Điều lệ Hội liên hiệp công nhân quốc tế. Trên thực tế, trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng để thành lập các chính đảng vô sản và Quốc tế cộng sản (Quốc tế I), C.Mác và Ph.Ăngghen luôn giữ vững nguyên tắc này để củng cố sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức của các tổ chức cộng sản và Quốc tế I. Thế nhưng, sau khi các ông qua đời, những tư tưởng và truyền thống về tổ chức cũng như quan điểm chính trị của các ông đã bị các lãnh tụ của Quốc tế II xuyên tạc, phản bội. Họ không chỉ từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, mà còn lái các đảng xã hội – dân chủ sang hoạt động nghị trường thuần túy, xóa bỏ tinh thần cách mạng và biến các đảng này thành các đảng theo đường lối cải lương.(*)
Trước thực trạng này và nhất là trong điều kiện lịch sử mới, khi mà cách mạng vô sản đã trở thành nhiệm vụ trực tiếp, kế tục sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã ra sức xây dựng, luận chứng và áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ với tư cách nguyên tắc nền tảng, tất yếu trong xây dựng và trong hoạt động của một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Nhận thấy sự rạn nứt và nguy cơ lâm vào tình trạng khủng hoảng của Đảng công nhân dân chủ – xã hội Nga do chủ trương xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ của những người thuộc phái mensêvích và những kẻ cơ hội trong Đảng, như L.Máctốp, P.B.ácxenrốt, V.I.Lênin và những người cộng sản chân chính trong phái bônsêvích đã kiên quyết đấu tranh chống lại chủ trương này trên những vấn đề về nguyên tắc tổ chức đảng. Trong Cương lĩnh hoạt động sách lược trình lên Đại hội Thống nhất của Đảng công nhân dân chủ – xã hội Nga (tháng 3 năm 1906), lần đầu tiên V.I.Lênin khẳng định sự cần thiết phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và trong mọi hoạt động của Đảng(1). Tại Đại hội IV của Đảng (tháng 4 năm 1906), khi một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện nguyên tắc “đã được mọi người thừa nhận” này, ông cho rằng, đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo toàn xã hội không chỉ bằng cương lĩnh, tư tưởng và đường lối, mà còn bằng tổ chức, bởi “sức mạnh của giai cấp công nhân là ở tổ chức. Không tổ chức quần chúng thì giai cấp vô sản không là cái gì hết. Được tổ chức, giai cấp vô sản sẽ là tất cả”(2). Tổ chức đảng có được xây dựng và củng cố vững mạnh thì mới đảm bảo cho cương lĩnh, tư tưởng và đường lối của Đảng được thực hiện trên thực tế. Sức mạnh về chính trị, về tư tưởng của Đảng chỉ có thể được thực hiện bằng tổ chức đảng, thông qua tổ chức đảng và để tổ chức đảng được xây dựng và củng cố vững mạnh thì mọi tổ chức của Đảng đều phải được xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, theo V.I.Lênin, trong Đảng cần phải thực hiện kỷ luật chặt chẽ, thống nhất; thực hiện nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên; tổ chức các cấp và toàn thể đảng viên của Đảng phải chấp hành nghị quyết đại hội đại biểu của Đảng, phục tùng sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương. Không chỉ thế, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng chính đảng vô sản cầm quyền còn đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa tính tổ chức, tính kỷ luật và tính tư tưởng trong Đảng. Bởi theo ông, trong một chính đảng vô sản cầm quyền, “tính tổ chức là sự thống nhất hành động, sự thống nhất trong hoạt động thực tiễn”. Sự thống nhất này “…thống nhất hành động, tự do thảo luận và phê bình” – đó là kỷ luật đảng, “chỉ có kỷ luật như thế mới xứng đáng với đảng dân chủ của một giai cấp tiên tiến”. Thêm nữa, “tính tổ chức mà không có nguyên tắc tư tưởng là một điều vô nghĩa” và do vậy, “giai cấp vô sản không chấp nhận sự thống nhất hành động nếu không có tự do thảo luận và phê bình”(3). Nhấn mạnh nguyên tắc về sự thống nhất giữa tính tổ chức và tính tư tưởng trong Đảng, song V.I.Lênin cũng chỉ rõ: “Không có kỷ luật nào buộc đảng viên phải mù quáng tán thành mọi dự thảo nghị quyết do Ban Chấp hành Trung ương thảo ra”(4). Bởi theo ông, trong một chính đảng vô sản cầm quyền “được xây dựng một cách dân chủ”, mọi đảng viên của Đảng đều “có quyền và nghĩa vụ đấu tranh, trong phạm vi nghị quyết của đại hội”, “thảo luận và quyết định vấn đề vận động chính trị của giai cấp vô sản” “xác định phương hướng sách lược của các tổ chức đảng” và “trong phạm vi ý chí của đại hội, bác bỏ sách lược”, “sửa chữa lệch lạc và sai lầm của Ban Chấp hành Trung ương”(5).
Với quan điểm này, khi khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng và trong mọi hoạt động của một chính đảng vô sản cầm quyền, V.I.Lênin đã nói rõ hơn về những nội dung cụ thể của nguyên tắc dân chủ. Theo ông, thực hiện nguyên tắc dân chủ trong Đảng có nghĩa là, mọi công việc của Đảng đều phải do toàn thể đảng viên giải quyết một cách bình đẳng, trực tiếp hoặc thông qua đại biểu của mình. “Tất cả những người có trách nhiệm trong đảng, tất cả các ban lãnh đạo của đảng, tất cả các cơ quan của đảng đều được bầu ra, đều có trách nhiệm phải báo cáo và có thể bị bãi miễn”; mọi đảng viên của đảng đều có quyền cử đại biểu của mình tham gia đại hội đảng và “quyết nghị của các đại biểu là quyết định tối cao và cuối cùng” đối với mọi vấn đề của đảng. Song, “để giải quyết vấn đề được thực sự dân chủ” thì “điều cần thiết là tất cả trong đảng bộ khi bầu đại biểu phải phát biểu độc lập và với tư cách cá nhân về vấn đề được đem ra tranh luận”(6).
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ với mục đích đảm bảo cho mọi sinh hoạt đảng đều được diễn ra một cách thật sự dân chủ, theo V.I.Lênin, trong đảng phải thường xuyên tiến hành đấu tranh tư tưởng, nhất là phải triển khai một cách đúng đắn cuộc đấu tranh này trên những vấn đề “quan trọng nhất và cơ bản nhất” của đảng. Bởi lẽ, đấu tranh tư tưởng một cách đúng đắn trong nội bộ đảng không chỉ là cái cần thiết cho sự phát triển bình thường của một chính đảng vô sản, mà còn là cái cần thiết để tăng cường việc giáo dục và nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp vô sản, ngăn chặn mọi khuynh hướng lệch lạc, sai lầm có thể diễn ra trong phong trào vô sản trước những biến động của tình hình. Không chỉ thế, đấu tranh tư tưởng một cách đúng đắn trong nội bộ đảng còn góp phần “làm sáng tỏ những sự bất đồng ý kiến” trong đảng và hơn nữa, để bảo vệ “sự trong sáng và lòng kiên định về mặt tư tưởng” của đảng. “Sự trong sáng về tư tưởng, những quan điểm dứt khoát, một đường lối có tính nguyên tắc”, theo V.I.Lênin, là đòi hỏi bức thiết, tất yếu và tối cần thiết đối với một chính đảng vô sản cầm quyền, bởi “chỉ có một sự trong sáng hoàn toàn về tư tưởng” mới cho phép đảng “có thể hành động, về mặt tổ chức, một cách nhất trí và đoàn kết”(7). Do vậy, đảng “không nên sợ cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ, một khi cuộc đấu tranh đó là cần thiết” để sự trong sáng và kiên định về tư tưởng của đảng “được củng cố hơn nữa”(8).
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Đảng Cộng sản (b) Nga đã thực sự trở thành đảng cầm quyền, một lần nữa, trong bối cảnh lịch sử mới, V.I.Lênin lại đặt vấn đề tăng cường công tác xây dựng Đảng và kiện toàn chế độ tổ chức của Đảng theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Thế nhưng, công việc này tiến hành chưa được bao lâu thì nước Nga Xôviết lại phải hứng chịu sự can thiệp vũ trang trên quy mô lớn của chủ nghĩa đế quốc và sự nổi dậy gây bạo loạn của thế lực phản động trong nước chống lại Chính quyền Xôviết non trẻ. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, nước Nga Xôviết đã buộc phải thực hiện chính sách “cộng sản thời chiến” mà theo đó, tổ chức đảng cũng buộc phải thực hiện “chế độ tập trung cao độ” và “chế độ mệnh lệnh chiến đấu”. Trong bối cảnh đó, mặc dù Điều lệ Đảng Cộng sản (b) Nga vẫn quy định nguyên tắc tổ chức tập trung dân chủ, nhưng trên thực tế, hình thức tổ chức của Đảng đã được quân sự hóa một cách nghiêm ngặt. Đó là chế độ tập trung vô điều kiện và kỷ luật sắt. Hình thức tổ chức này là cần thiết trong điều kiện bấy giờ và trên thực tế, nó đã mang lại tác dụng tích cực và có ý nghĩa quyết định đối với việc giành thắng lợi trong chiến tranh và bảo vệ Chính quyền Xôviết, nhưng nó cũng đã trở thành lực cản nặng nề đối với việc thực hiện chế độ tập trung dân chủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt dân chủ trong đảng.
Nhận thấy rõ ảnh hưởng tiêu cực ở mức độ nghiêm trọng do áp dụng chế độ tập trung theo lối quân sự hóa một cách vô điều kiện, khi cuộc nội chiến kết thúc và nước Nga Xôviết bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng kinh tế với những nhiệm vụ còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với nhiệm vụ chiến thắng về mặt quân sự, một lần nữa, V.I.Lênin lại nói về sự cần thiết phải thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng đảng cầm quyền. Dưới sự chỉ đạo của V.I.Lênin, tại Đại hội IX (tháng 9 năm 1920), Đảng Cộng sản (b) Nga đã thông qua Nghị quyết Về những nhiệm vụ trước mắt của công tác xây dựng đảng với trọng tâm là tổng kết bài học kinh nghiệm về xây dựng đảng từ sau Cách mạng tháng Mười, về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và đưa ra những quy định cụ thể về thực hành và phát huy dân chủ trong đảng, xây dựng chế độ tổ chức và chế độ sinh hoạt bình thường trong đảng. Và, tại Đại hội X (tháng 3 năm 1921) – Đại hội đánh dấu bước ngoặt lịch sử ở nước Nga Xôviết: chuyển từ chính sách “cộng sản thời chiến” sang chính sách kinh tế mới, Đảng Cộng sản (b) Nga đã thông qua nhiều nghị quyết do V.I.Lênin khởi thảo, trong đó có Nghị quyết Về sự thống nhất của đảng. Trong Nghị quyết này, V.I.Lênin đã khẳng định không có sự đoàn kết cao độ trong đảng mà hạt nhân là sự thống nhất, đoàn kết nhất trí của Ban Chấp hành Trung ương, không có kỷ luật sắt trong đảng, không có sự thống nhất về tổ chức và tư tưởng của đảng thì không thể thực hiện được bước quá độ hết sức khó khăn sang chính sách kinh tế mới, không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội(9). Trên tinh thần của Nghị quyết này và Nghị quyết Về sự thống nhất và thiên hướng công đoàn chủ nghĩa – vô chính phủ trong đảng cũng do V.I.Lênin khởi thảo, Đại hội X Đảng Cộng sản (b) Nga đã thông qua Nghị quyết Về vấn đề xây dựng đảng. Nghị quyết này đã chỉ rõ những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí còn gây ra những nguy cơ trong đảng của sự “tập trung hóa cao độ” trong thời kỳ chiến tranh đã dẫn đến sự phát triển chủ nghĩa quan liêu và khuynh hướng thoát ly quần chúng; “chế độ mệnh lệnh chiến đấu” thì dẫn đến “hình thức áp chế không cần thiết”; còn sự thu hẹp các cơ quan đảng đã khiến cho hoạt động tinh thần của đảng bị suy yếu, sinh hoạt dân chủ trong đảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ tất cả những vấn đề này, Nghị quyết đã khẳng định: Trong bối cảnh hòa bình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước, đảng phải có hình thức tổ chức mới, phải xây dựng và tổ chức lại theo đúng tinh thần của nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là đòi hỏi bức thiết đối với một chính đảng cầm quyền và lấy nguyên tắc này làm cơ sở để đảm bảo cho toàn thể đảng viên của đảng tham gia một cách tích cực trong mọi sinh hoạt và hoạt động của đảng, tham gia thảo luận một cách tự do và thực sự dân chủ mọi vấn đề của đảng; mọi đảng viên, mọi tổ chức của đảng đều phải thực hiện chế độ báo cáo và chế độ giám sát rộng rãi.
Với quan điểm nhất quán về sự cần thiết phải thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng chính đảng vô sản cầm quyền, tại Đại hội X Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I.Lênin còn nói rõ quan điểm của ông về chủ trương cấm hoạt động bè phái trong đảng. Theo ông, với một chính đảng vô sản cầm quyền, cấm hoạt động bè phái trong đảng là cần thiết, song điều đó không có nghĩa là đảng đòi hỏi những người có quan điểm khác phải từ bỏ quan điểm của mình. Đảng không những không thủ tiêu quyền bảo lưu quan điểm cá nhân của đảng viên, mà còn bảo đảm về phương diện tổ chức cho sự tranh luận và đấu tranh giữa những quan điểm khác nhau bằng cách “xuất bản một cách đều đặn hơn nữa tờ “Chuyên san tranh luận” và “những văn tập đặc biệt” để cho “đảng viên trao đổi ý kiến một cách cặn kẽ nhất về tất cả những vấn đề” của đảng(10). Không chỉ thế, đảng còn phải “luôn cố gắng làm cho sự phê bình đi vào thực chất của vấn đề” và “trong khi kiên quyết bác bỏ cái gọi là phê bình không có tính chất xây dựng và có tính chất bè phái, đảng sẽ dùng những phương pháp mới để không ngừng tiếp tục đấu tranh bằng mọi cách, chống chủ nghĩa quan liêu nhằm mở rộng dân chủ, phát huy óc sáng kiến” của mọi đảng viên(11).
Với quan niệm như vậy về việc mở rộng dân chủ trong đảng, khi vẫn luôn coi tập trung dân chủ là chế độ tổ chức và nguyên tắc tổ chức nền tảng trong xây dựng chính đảng vô sản cầm quyền, sau Đại hội X Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I.Lênin không chỉ suy nghĩ và đề xuất hàng loạt giải pháp căn bản để xây dựng chế độ tổ chức và chế độ dân chủ trong đảng, mà còn nhiều lần nhấn mạnh việc thực hiện dân chủ trong đảng phải được coi là hạt nhân của việc thực hiện nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ hóa sinh hoạt đảng là trọng điểm của việc giám sát mọi hoạt động của các cơ quan lãnh đạo đảng, từ cơ sở đến Trung ương, và nó phải được thực hiện một cách nghiêm chỉnh trong mối quan hệ mật thiết với việc chống chủ nghĩa quan liêu.
Như vậy, có thể nói, trong quan niệm của V.I.Lênin, nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ là phương pháp và tác phong công tác của chính đảng vô sản cầm quyền, mà trước hết và trên hết, nó chính là chế độ tổ chức và nguyên tắc tổ chức của đảng. Tập trung và dân chủ là hai mặt đối lập, có nội dung xác định, song giữa chúng lại có sự kết hợp hữu cơ và gắn kết với nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp hữu cơ giữa hai mặt dân chủ và tập trung, là sự thống nhất của hai mặt đối lập này; tập trung và dân chủ vừa đối lập nhau, vừa liên hệ với nhau, hòa nhập vào nhau, mặt này là tiền đề, là điều kiện cho mặt kia và ngược lại. Tập trung và dân chủ kết hợp với nhau để tạo thành một chỉnh thể không thể thiếu của nguyên tắc tổ chức của chính đảng vô sản cầm quyền, trong đó dân chủ là cơ sở của tập trung, còn tập trung là điều kiện đảm bảo cho dân chủ được thực hiện. Phủ nhận bất cứ mặt nào trong hai mặt này đều là sự phủ nhận về căn bản nguyên tắc tập trung dân chủ và đều tất yếu dẫn đến chế độ tập trung quan liêu và chủ nghĩa vô chính phủ. Nói rõ hơn về điều này, V.I.Lênin đã khẳng định: “Chúng ta chủ trương theo chế độ tập trung dân chủ. Nhưng cần phải hiểu rõ rằng chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”(12).
Nhân Kỷ niệm 141 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 – 22/4/2011), nhắc lại quan điểm của ông về việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng chính đảng vô sản cầm quyền, thiết nghĩ, là cần thiết và bổ ích. Bởi lẽ, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khi xác định xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách đảng cầm quyền thành một tổ chức chính trị chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ then chốt, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định Đảng lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Không chỉ thế, Đảng ta còn nhiều lần chỉ rõ tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản chỉ đạo xây dựng, tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng và trên thực tế, Đảng ta đã coi đó là nguyên tắc quan trọng nhất để chỉ đạo mọi hoạt động, tổ chức sinh hoạt nội bộ và phong cách làm việc của Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (tháng 1 năm 2011), khi một lần nữa khẳng định chủ trương “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, Đảng ta đã nhấn mạnh quan điểm thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trên cơ sở thật sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng, gắn kết chặt chẽ với chống quan liêu, bè phái, cục bộ, địa phương, lối làm việc vô nguyên tắc, vi phạm kỷ luật, vi phạm dân chủ(13).
Nhắc lại quan điểm của V.I.Lênin về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng chính đảng vô sản cầm quyền để thêm một lần nữa, chúng ta hiểu rõ vì sao khi thực hiện đúng đắn nguyên tắc này, Đảng ta đã có được sự thống nhất ý chí và hành động, có được sức mạnh vô địch của một đảng cách mạng cầm quyền. Và, thêm một lần nữa chúng ta càng hiểu rõ hơn vì sao trong điều kiện lịch sử mới ngày nay, trong bối cảnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ngày càng đi vào chiều sâu với những thuận lợi và cơ hội to lớn, song vẫn còn không ít khó khăn và thử thách gay gắt, phương thức lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng vẫn cần phải được tiếp tục đổi mới, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.