Điều 35, Luật Thanh tra 2010 quy định: “Trong hoạt động thanh tra, cơ quan thanh tra nhà nước có quyền trưng tập cộng tác viên thanh tra. Cộng tác viên thanh tra là người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ thanh tra”.
Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra cũng đã quy định một cách khái quát về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách, trưng tập đối với cộng tác viên thanh tra. Có thể nói các văn bản pháp luật hiện hành về thanh tra đã xác lập cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động của cộng tác viên thanh tra trong hoạt động thanh tra. Vậy cộng tác viên thanh tra là ai và họ có vai trò như thế nào trong hoạt động thanh tra?
Từ quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động thanh tra, có thể thấy rằng, cộng tác viên thanh tra là người được cơ quan thanh tra nhà nước trưng tập tham gia hoạt động thanh tra nhưng không thuộc biên chế của các cơ quan thanh tra nhà nước.
Điều 6, Luật Thanh tra quy định: “Hoạt động thanh tra do Đoàn thanh tra, thanh tra viên và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chueyen ngành thực hiện. Hoạt động thanh tra mà cộng tác viên thanh tra tham gia chính là hoạt động thanh tra trực tiếp của cơ quan thanh tra nhà nước thông qua Đoàn thanh tra, từ khi có Quyết định thanh tra đến khi có kết luận thanh tra. Như vậy, về phạm vi và nội dung hoạt động thanh tra mà cộng tác viên thanh tra được tham gia không bao gồm việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, không được tiến hành thanh tra độc lập mà chỉ được trưng tập tham gia hoạt động thanh tra theo Đoàn thanh tra. Vậy vì sao cần có cộng tác viên thanh tra trong Đoàn thanh tra? Nói cách khác, cộng tác viên thanh tra có vai trò như thế nào đối với hoạt động thanh tra?
Thứ nhất, cộng tác viên thanh tra bổ sung, hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực nhất định cho Đoàn thanh tra, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, chính xác của kết luận thanh tra. Hoạt động thanh tra được tiến hành trên tất cả mọi lĩnh vực quả đời sống xã hội. Đội ngũ thanh tra viên và người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không phải lúc nào cũng đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và nội dung thanh tra đặt ra. Đặc biệt là những kiến thức chuyên môn sâu về ngành, lĩnh vực mà nội dung thanh tra cần. Vì vậy, để đảm bảo kết luận thanh tra được xây dựng một cách chính xác, khách quan, trong nhiều cuộc thanh tra, khi xét thấy cần thiết, cơ quan thanh tra tiến hành trưng tập cộng tác viên thanh tra tham gia Đoàn Thanh tra để thực hiện những nhiệm vụ nhất định. Sự có mặt của cộng tác viên thanh tra sẽ bù đắp được những thiếu khuyết trước những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe về chuyên môn, kỹ thuật thuộc lĩnh vực đang thanh tra.
Thứ hai, cộng tác viên thanh tra góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra. Kết quả hoạt động của một Đoàn thanh tra là sự tổng hợp, kết hợp kết quả làm việc của từng thành viên trong đoàn với sự chỉ đạo, chịu trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra. Do vậy, phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của từng thành viên Đoàn thanh tra nói chung cũng như của cộng tác viên thanh tra có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến kết quản hoạt động của Đoàn thanh tra. Nếu cộng tác viên thanh tra được trưng tập có ý thức trách nhiệm cao, thực hiện đúng, chính xác, khách quan nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động mà họ mang lại sẽ đảm bảo tính khách quan của vấn đề. Đây là cơ sở quan trọng quyết định đến hiệu quả hoạt động thanh tra. Ở khía cạnh này, có thể thấy, cộng tác viên thanh tra góp phần vào việc nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra.
ST: Nguyễn Quốc Vĩnh