Trong những năm gần đây, thuật ngữ trách nhiệm giải trình xuất hiện và được sử dụng ngày càng nhiều trong các báo cáo nghiên cứu liên quan đến quá trình cải cách bộ máy nhà nước, cải cách hành chính cũng như các giải pháp phòng, chống tham nhũng.
Một trong những giải pháp được đưa ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 là: “Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện cơ chế về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý…”. Các cơ quan của Chính phủ hiện nay đang nghiên cứu soạn thảo Nghị định về vấn đề này dự kiến sẽ được Chính phủ xem xét thông qua vào khoảng cuối năm nay. Tuy nhiên cho đến hiện nay bản thân quan niệm về trách nhiệm giải trình vẫn còn có những nhận thức khác nhau, với nhiều cấp độ khác nhau. Vậy trách nhiệm giải trình là gì?
Trước hết theo cách hiểu thông thường thì giải trình là giải thích, trình bày nhằm làm sáng rõ một vấn đề gì. Trong tiếng Anh accountability (trách nhiệm giải trình) có nguồn gốc Latin là accomptare (giải thích).
Trong hoạt động của bộ máy công quyền thì trách nhiệm giải trình là việc cán bộ, công chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Theo đó, cơ quan nhà nước; cán bộ, công chức nhà nước, phải có trách nhiệm thực thi công việc được giao đạt kết quả và phải chịu hậu quả khi chưa làm tròn trách nhiệm.
Xét về phương diện luật thực định ở Việt Nam hiện nay thì dường như khái niệm trách nhiệm giải trình chủ yếu bao gồm nội dung thứ nhất, tức là trách nhiệm giải thích việc thực thi nhiệm vụ, công vụ hay những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình khi được yêu cầu.
Chẳng hạn tại Điều 13 của Luật Khiếu nại có quy định nghĩa vụ của người bị khiếu nại là: giải trình về tính hợp pháp, đúng đắn của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại khi người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, đơn vị kiểm tra, xác minh yêu cầu.
Trong một số trường hợp giải trình không chỉ là trách nhiệm mà cũng có thể được coi là quyền của một chủ thể nào đó được phát biểu, nói lên ý kiến giải thích cho việc làm của mình là đúng đắn, hợp pháp.
Chẳng hạn Luật Thanh tra Ðiều 53 quy định : Ðối tượng thanh tra có các quyền sau đây : giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra…
Như vậy thì cho đến nay, trách nhiệm giải trình được hiểu thông thường cũng như trong các văn bản pháp luật chủ yếu mang tính “bị động ” mà thôi.
Trên thực tế thì quan niệm về trách nhiệm giải trình ở các nước bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của bộ máy nhà nước nói chung, của những người nắm giữ và thực hiện quyền lực công bao gồm chủ yếu hai hướng : trách nhiệm của cấp dưới đối với cấp trên (trách nhiệm trong nội bộ) và trách nhiệm của bộ máy công quyền với xã hội (trách nhiệm ra bên ngoài, hay trách nhiệm hướng xuống dưới). Chẳng hạn Báo cáo phát triển của Việt Nam năm 2010 có viết : Báo cáo phát triển của Việt Nam này phân biệt hai hình thức trách nhiệm giải trình là : trách nhiệm giải trình hướng lên trên tập trung vào việc tuân thủ quy tắc, các chỉ thị và chỉ đạo từ bộ máy nhà nước và trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới tập trung vào các kết quả mà một cá nhân hay một cơ quan có trách nhiệm thực hiện. Một cá nhân hay cơ quan với trách nhiệm giải trình hướng lên trên sẽ quan tâm nhiều đến việc tuân thủ các quy định, còn một cơ quan hay cá nhân với trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới sẽ quan tâm đến việc phục vụ khách hàng. Đặc điểm của trách nhiệm giải trình hướng lên trên là cấp bậc và hình thức thưởng phạt về hành chính, trong khi đó đặc tính của trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới là phản hồi từ khách hàng, cung cấp thông tin cho khách hàng và sự tham gia trong quá trình ra quyết định.
Với một quan niêm rộng rãi như vậy thì trách nhiệm giải trình không chỉ thực hiện một cách thụ động khi có yêu cầu mà còn có thể được thực hiện ngay cả khi không có yều cầu nhưng chủ thể thấy đó là việc làm cần thiết để tìm được sự ủng hộ, chia sẻ hay đồng thuận về những vấn đề đã hoặc sẽ được thực hiện thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, tạo cơ sở cho việc bảo đảm tính khả thi của các quyết định hay việc làm của mình trên thực tế.
Mặc dù cho đến nay chưa có một quy định văn bản riêng về vấn đề này nhưng trong quá trình cải cách với tinh thần phục vụ và nâng cao tính dân chủ trong hoạt động công quyền, các cơ quan nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện trách nhiệm của mình, nhất là trong quan hệ với người dân. Đã đến lúc cần có những quy định ở tầm Chính phủ để việc thực hiện trách nhiệm giải trình được thuận lợi và thống nhất, trước hết là tại các cơ quan hành chính nhà nước và cũng chủ yếu là trước xã hội, trước nhân dân.
Việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị định sẽ có tác động mãnh mẽ lên thái độ, trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Nghị định sẽ trở thành công cụ quan trọng để người dân có điều kiện tăng cường hơn nữa sự giám sát đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước ; là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thể hiện bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần vào việc phòng ngừa các hành vi sách nhiễu, cửa quyền, đòi hối lộ, là một mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020 đã được Chính phủ ban hành.
Nhìn từ góc độ cải cách hành chính, việc thực hiện trách nhiệm giải trình sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự đối thoại giữa người dân và cơ quan nhà nước. Người dân và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dễ dàng với các thông tin, quyết định và biện pháp của cơ quan quản lý và qua đó mà việc thực hiện các biện pháp, quyết định này sẽ thuận lợi hơn. Có nhiều ý kiến cho rằng nếu thực hiện tốt trách nhiệm giải trình thì sẽ giảm một phần đáng kể các khiếu kiện, thắc mắc của người dân đến các cơ quan nhà nước.
Để đạt được hiệu quả thì có lẽ việc thực hiện trách nhiệm giải trình không chỉ xảy ra khi có yêu cầu mà còn có những trường hợp cơ quan nhà nước chủ động khi xét thấy cần thiết. Chẳng hạn khi xảy ra môt sự cố, ảnh hưởng đến lợi ích của một hay nhiều người, gây ra những luồng thông tin trái chiều, những hoang mang, lo lắng cho người dân thì cơ quan nhà nước cần sớm thể hiện trách nhiệm của mình để có những thông tin chính xác, kịp thời về sự việc, xác định trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là có những thông báo về các biện pháp mà cơ quan nhà nước đã và đang tiến hành để khắc phục hậu quả hay ngăn chặn những sự việc tiếp theo có thể xảy ra. Đó chính là thể hiện tính trách nhiệm của một nền công vụ, một yếu tố quan trọng trong một nhà nước pháp quyền dân chủ mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng.
TS. Đinh Văn Minh
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra